7 năm, thầy giáo về hưu may trăm bộ áo dài tặng các nữ sinh nghèo

15/09/2024 - 08:42

Suốt 7 năm qua, 3 thầy cô giáo ở Quảng Ngãi đã may hàng trăm bộ áo dài, tặng cho các nữ sinh nghèo để các em không phải lo lắng vì không có đồng phục mặc đến lớp.

Nhận 2 bộ áo dài trắng tinh tươm từ tay các thầy cô giáo, em Nguyễn Thị Bảo Ngọc (Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Quảng Ngãi) rơm rớm nước mắt vì xúc động.

“Món quà này giúp em có thêm động lực để cố gắng học tập tốt hơn. Em thật sự biết ơn thầy Nghĩa rất nhiều, em sẽ cố gắng học thật giỏi, không phụ lòng thầy cô và sau này có công việc ổn định để có thể phụng dưỡng ông bà nội”, Ngọc nói.

Cha qua đời, mẹ bỏ đi khi em mới 6 tháng tuổi, Ngọc hiện sống cùng ông bà nội già yếu trong căn nhà lụp xụp, thiếu thốn đủ bề. Nhiều năm nay, Ngọc được thầy Lương Thạch Nghĩa (cựu giáo viên trường THCS Đức Thắng) kết nối với các nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ, “đỡ đầu” việc học.

Ngọc và 11 nữ sinh khác hồ hởi khi được thầy Nghĩa tặng đồng phục cho năm học mới.

Bảo Ngọc háo hức khi được thầy Nghĩa tặng áo dài mới. (Ảnh: NVCC)

Đây là năm thứ 7 liên tiếp thầy giáo về hưu tặng áo dài cho các nữ sinh khó khăn khi các em vào lớp 10.

Đồng hành cùng ông là cô giáo Huỳnh Thị Thúy Diễm (Trường Tiểu học Đức Thắng, huyện Mộ Đức) và cô giáo Huỳnh Thị Thu Trương (Trường THPT Thu Xà, huyện Tư Nghĩa).

Nhìn học trò vui mừng trong bộ áo mới, thầy Nghĩa bồi hồi nhớ lại chuyện cũ.

Năm 2018, khi ghé qua tiệm may của người bạn chơi và thấy một người mẹ đưa con gái vừa đậu lớp 10 đến may áo dài đi học, thầy chợt chạnh lòng khi nghĩ về hoàn cảnh của 2 học trò cũ.

“Em Như Quỳnh có cha bị bệnh nặng, mẹ đi làm xa nhà, em phải sống cùng bà ngoại. Còn em Kim Chi có cha bị tai nạn lao động, mẹ phải gồng gánh nuôi cả nhà. Lúc đó, tôi hỏi thăm thì biết sắp đến ngày khai giảng, 2 em đều chưa có bộ áo dài nào”, thầy Nghĩa kể.

Mang trăn trở này chia sẻ và nhận được sự đồng cảm của cô Diễm, thế là 2 thầy cô đã cùng nhau đưa 2 nữ sinh này đi may áo dài và còn tặng cho các em thêm dụng cụ học tập.

Sau lần ấy, thầy Nghĩa và cô Diễm quyết tâm duy trì việc tặng áo dài cho học sinh đều đặn hàng năm bằng cách trích tiền lương và huy động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Biết được việc làm ý nghĩa này, nhiều học sinh cũ của thầy Nghĩa, cô Diễm cũng thường xuyên ủng hộ.

Thầy Nghĩa, cô Diễm và cô Trương kiểm tra lại áo dài trước khi tặng học sinh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Chúng tôi có danh sách các học sinh khó khăn trên khắp tỉnh Quảng Ngãi và đã đồng hành, hỗ trợ các em nhiều năm rồi. Khi các em vào lớp 10, tôi chỉ cần lọc danh sách và tiến hành đo may áo dài cho các em thôi”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Tuy nhiên, do nhiều học sinh ở xa nên việc đưa từng nữ sinh đến cửa hiệu để may những chiếc áo dài đẹp và phù hợp là “bài toán” khá nan giải.

Trong lúc thầy Nghĩa và cô Diễm đang phân vân bàn phương án, sẵn tay nghề may vá, cô Trương đã nhắn tin “xin” tham gia và xung phong nhận việc này.

Kể từ đó, dù các nữ sinh ở bất kỳ đâu, cô Trương cũng cùng 2 đồng nghiệp lặn lội đến tận nơi để đo, rồi trực tiếp may áo dài tặng các em.

“Thầy Nghĩa, cô Diễm chịu tiền vải, còn tôi chịu công may. Tôi luôn chọn cho các em loại vải tốt nhất”, cô Trương bộc bạch.

Các nữ sinh vui mừng khi được tặng áo dài trước khi vào lớp 10. (Ảnh: NVCC)

Cứ thế, suốt 7 năm qua, đã có hơn 150 bộ áo dài được 3 thầy cô may tặng cho các nữ sinh nghèo hiếu học.

Đặc biệt, có học sinh từng được tặng áo dài, dù mới ra trường đi làm được vài tháng nhưng vẫn chắt chiu gửi ủng hộ 300.000 đồng để phụ thầy cô mua vải.

“Năm nay chúng tôi may tặng 23 bộ áo dài cho 12 nữ sinh. Mỗi em được tặng 2 bộ nhưng vì có học sinh được chị họ cho lại 1 bộ áo dài nên chỉ xin nhận 1”, thầy Nghĩa nói.

Không chỉ tặng áo dài cho nữ sinh, thầy Nghĩa, cô Diễm và cô Trương còn “nổi tiếng” trong các hoạt động thiện nguyện. Nhiều năm nay, 3 thầy cô đã nhận “đỡ đầu”, trao học bổng cho hàng chục học sinh nghèo và kết nối bạn bè giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

“Tôi xem các học trò như con cháu của mình vậy! Học sinh trưởng thành, cố gắng học tập tốt, là niềm hạnh phúc và là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc thiện nguyện này”, cô Diễm trải lòng.

Theo Vietnamnet