Trong thời buổi nhà nhà có xe gắn máy, ngay cả xe “honda ôm” còn ít khách, việc chạy xe đạp mưu sinh dần hiếm. Hiện, ở chợ Mỹ Long, Mỹ Bình, Mỹ Xuyên, Mỹ Phước, Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), chỉ còn khoảng 15 - 20 người hành nghề này, trong đó có ông Kiềm.
Vào khoảng năm 2000, những người lớn tuổi (nhất là phụ nữ đi chợ, đi chùa...) thường kêu xe đạp đưa rước, nhưng sau đó thưa dần và đến nay, gần như không còn, vì “tội nghiệp người đạp xe”.
Để mưu sinh, đội ngũ xe đạp ít ỏi thường gắn thêm bộ phận kéo chuyên chở đồ đạc của bạn hàng, hay người có nhu cầu vận chuyển vật dụng, các mặt hàng. Hầu hết, người chạy xe đạp ở độ tuổi từ khoảng 45 đến 65. Tùy quãng đường gần xa, mỗi cuốc xe họ có thể kiếm được 20.000 - 80.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Kiềm chở hàng
“Để kiếm được vài chục ngàn đồng, tôi phải gồng mình đạp xe, cố hết sức trên quãng đường. Nhà không ruộng rẫy, gia đình con trai nghèo khó, không lo nỗi cho bản thân, tôi phải tự bươn chải, lo cho vợ. Nhìn thấy tôi ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều người ái ngại không chịu kêu chở. Nhưng nhờ được thương tình, người có mặt hàng, vật dụng cũng kêu tôi vận chuyển. Dù mỗi cuốc xe chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, nhưng chở nhiều lần thì cũng sống được.
Ngày không có hàng chở, tôi phải cuốc xe khoảng 12km về nhà ở cầu Trà Suốt. Biết tôi chạy xe đạp để mưu sinh, người chủ bến đò miễn phí qua sông. Vừa qua, có mấy ngày ở nhà lo trị bệnh, dù không thiếu cái ăn, nhưng cuộc sống của gia đình túng quẫn”- ông Nguyễn Văn Kiềm cho biết.
Cô Lê Trương Ánh Ngọc (Trường Đại học An Giang) cùng nhiều tấm lòng thiện nguyện đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, trong đó có ông Nguyễn Văn Kiềm. Hơn 1 năm qua, nhóm hỗ trợ 10kg gạo và 330.000 đồng/tháng cho gia đình ông Kiềm.
Sau này, nhóm tiếp tục duy trì hỗ trợ, nhưng rất mong có thêm nhiều tấm lòng thiện nguyện cùng góp sức để ông Kiềm và các trường hợp tương tự vượt qua khó khăn. Đặc biệt, khi đến nơi trao quà, thấy sân nhà ông bị sụp lún, nhóm tự bỏ tiền mua vật liệu xây dựng về san lấp cho bằng phẳng.
Ông Bùi Ngọc Tâm (55 tuổi, ngụ khóm Tây Khánh 4, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Không có điều kiện làm ăn, gần 30 năm nay, tôi chạy xe đạp để mưu sinh. Trước đây, xe khá nhiều, nhưng kiếm sống dễ do khách nhiều. Nay, không ai đi xe, chúng tôi phải nối xe kéo để chở mặt hàng, vật dụng.
Tôi và ông Kiềm là “đồng nghiệp” từ khá lâu. Chưa biết ai là người cao tuổi nhất chạy xe đạp mưu sinh, nhưng ở khu vực TP. Long Xuyên, có thể xác định, ông Nguyễn Văn Kiềm “đứng đầu” khi tuổi rất cao còn bám víu cái nghề vất vả này. Được biết, ông vừa vượt qua đợt mổ dạ dày. Tưởng chừng đã nghỉ chạy xe đạp, nay thấy ông hiện diện trên đường phố".
Ông Dương Hữu Lợi, Trưởng ban Nhân dân ấp Đông Bình Nhất cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Kiềm khó khăn, nên dù cao tuổi, ông vẫn chạy xe đạp để mưu sinh. Có nhiều người khuyên ông nghỉ dưỡng già, nhưng ông từ chối. Vài năm trước đây, thấy gia đình ông khó khăn về chỗ ở, một đơn vị xây dựng cho căn nhà khang trang.
Khi có chế độ, chính sách đối với hộ khó khăn, Ban Nhân dân ấp đều thực hiện theo quy định. Với trường hợp của ông Kiềm, ban ấp thường vận động hỗ trợ nguồn gạo và bà con xung quanh cùng giúp đỡ cho gia đình.
N.R