Người dân chờ mua vé tàu đi hàng ngày tại ga Sài Gòn. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Theo đó, từ sáng ngày 20-10, vé tàu được bán cho các tập thể đã đăng ký và bán vé cá nhân trên các website của ngành đường sắt như www.dsvn.vn; vetau.com.vn; giare.vetau.vn; tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc đường sắt Việt Nam; qua ứng dụng ví điện tử MoMo, Vimo, ứng dụng ViettelPay và các tổng đài bán vé…
Mỗi hành khách được đặt chỗ và mua vé qua website, tại các nhà ga, điểm bán vé, các đại lý không quá 4 vé cho chiều đi và 4 vé cho chiều về. Hành khách mua vé cần mang theo giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (nếu có) được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Trong dịp Tết Canh Tý, ngành đường sắt sẽ tổ chức 22 đôi tàu phục vụ hành khách, bao gồm 10 đôi tàu khách Thống Nhất là SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE9/SE10, SE11/SE12, SE19/20, SE23/24, SE29/30, TN3/4 và 12 đôi tàu khách khu đoạn từ ga Sài Gòn đi các địa phương và ngược lại.
Ngoài ra, trong thời gian nghỉ Tết (từ ngày 23-1 - 29-1-2020), Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tổ chức chạy thêm một số đôi tàu trên các tuyến: Sài Gòn - Huế, Sài Gòn – Đà Nẵng, Sài Gòn – Tam Kỳ, Sài Gòn – Quảng Ngãi và Sài Gòn – Nha Trang.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng bán vé chuyển đổi loại chỗ giường nằm mềm khoang 4 giường, một giường tầng 1 được bán 3 ghế ngồi mềm (riêng tàu SNT1/SNT2, SNT11/SNT12 chạy Sài Gòn – Nha Trang và ngược lại không bán chuyển đổi); bán vé ghế phụ được bố trí ngồi bằng ghế nhựa với giá được tính bằng 80% giá vé loại chỗ thấp nhất quy định tại bảng giá vé trên đoàn tàu.
Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng khuyến cáo, để tránh việc mua nhầm “vé giả”, “vé không hợp lệ”, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý thuộc ngành đường sắt quản lý; không nên mua vé bên ngoài "cò mồi chợ đen", các đại lý trá hình... để tránh mất tiền mà vẫn không đi được tàu.
Theo TIẾN LỰC (Báo Tin Tức)