Ai sẽ giành giải thưởng lớn nhất lịch sử Đường lên đỉnh Olympia?
07/10/2023 - 08:45
4 nhà leo núi sẽ tranh tài trong chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 gồm Việt Thanh, Minh Triết, Xuân Mạnh và Trọng Thành.
AA
Trải qua 51 trận đấu với 144 thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước, 4 thí sinh giành điểm cao nhất sắp bước vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia diễn ra sáng 8/10.
Bốn nam sinh sẽ so tài tại chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2023 là Nguyễn Việt Thanh (THPT Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Minh Triết (THPT chuyên Quốc học - Thừa Thiên Huế), Lê Xuân Mạnh (THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa), Nguyễn Trọng Thành (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Thí sinh
Tuần
Tháng
Quý
Nguyễn Việt Thanh
280
310
325
Nguyễn Minh Triết
330
305
290
Lê Xuân Mạnh
345
265
160
Nguyễn Trọng Thành
260
255
330
Theo công bố của ban tổ chức, năm nay thí sinh chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng trị giá 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng). Đây là mức giải thưởng cao nhất trong lịch sử chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong 23 năm qua. Đồng thời, giải thưởng với các thí sinh đạt giải Nhì, giải Ba cũng tăng lên gấp đôi so với năm ngoái (giải Nhì 200 triệu và giải Ba 100 triệu đồng).
Kỷ lục điểm số
Lê Xuân Mạnh, lớp 12, trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, giành chiến thắng kịch tính trong cuộc thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 160 điểm. Sau 12 năm, Thanh Hóa mới có học sinh góp mặt trong trận chung kết Olympia, đây cũng là lần đầu trường THPT Hàm Rồng có học sinh tham dự sân chơi này.
Cùng với đó, tính đến thời điểm này, Mạnh vẫn đang giữ kỷ lục về tổng điểm cao nhất trong một trận đấu ở Đường lên đỉnh Olympia 23 với 345 điểm trong trận tuần 3 tháng 1 quý III (ngày 24/4/2023).
Để chuẩn bị cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Xuân Mạnh thường giành điểm tại các câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học, Lịch sử, kiến thức chung nhờ khả năng ghi nhớ tốt.
Tự đánh giá tâm lý chưa vững vàng, tiếng Anh và các câu hỏi thực hành Vật lý, Hóa học là điểm yếu của mình, nam sinh xứ Thanh cũng đấu tập nhiều hơn để cải thiện bản lĩnh thi đấu, luyện nghe ngoại ngữ, xem lại hướng dẫn thực hành trong sách giáo khoa, trên Youtube.
Quyết tâm giành vòng nguyệt quế
Nguyễn Minh Triết, lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế, giành chiến thắng thuyết phục trong trận quý II, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 290 điểm.
Chàng trai Huế tự nhận bản thân có thế mạnh ở các câu hỏi về thể thao, nghệ thuật, âm nhạc và kiến thức xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong từng phần thi mà Triết trải qua, cậu hiếm khi bỏ lỡ các câu hỏi thuộc những lĩnh vực này.
Để chuẩn bị cho trận chung kết, Triết tập trung nhiều thời gian nghiên cứu vài trận chung kết gần đây, duy trì thói quen đọc báo và xem tin tức để bổ sung kiến thức xã hội, cải thiện khả năng tiếng Anh. Cậu cũng sẽ nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, anh chị để ôn luyện hiệu quả hơn. Để cân bằng, Triết vẫn duy trì sở thích nghe nhạc, đọc sách và gặp gỡ bạn bè.
Tập đấu hơn 300 trận
Nguyễn Việt Thành, lớp 12 trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) giành chiến thắng áp đảo trong trận quý I, là thí sinh đầu tiên giành tấm vé vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia với 325 điểm.
Thành cho rằng ngoài may mắn, đây là thành quả sau một năm rèn luyện với gần 300 trận đấu tập của mình.
Ngoài câu lạc bộ Olympia Sóc Sơn, Việt Thành còn gia nhập cộng động cựu thí sinh và học sinh muốn tham dự chương trình này. Trong năm lớp 10, Thành duy trì đấu tập mỗi tuần một lần với các bạn trong câu lạc bộ và thi đấu với thành viên ở cộng đồng Olympia.
Nam sinh tự đánh giá bản thân có thế mạnh trong những câu hỏi về Lịch sử, Xã hội và hiểu biết chung. Điều này được thể hiện rõ nhất qua từng vòng thi.
Nam sinh chia sẻ, học hỏi lối chơi điềm tĩnh, kiến thức đa dạng của các đàn anh. Ngoài việc học và đấu tập Olympia, thời gian rảnh, Thành sẽ đá bóng, xem tin tức và đọc sách. Em thường đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng, thích nhất tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của tác giả Phùng Quán, và những sách khoa học.
Tấm vé cuối cùng
Nguyễn Trọng Thành, lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng chiến thắng áp đảo ở trận thi quý IV, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 330 điểm, giành tấm vé cuối cùng vào trận chung kết.
Trọng Thành cho rằng, Olympia là sân chơi về kiến thức, do đó không có sự chuẩn bị nào hợp lý hơn là đọc kỹ sách giáo khoa, xem báo đài. Cùng đó, cậu kết nối với bạn bè có cùng đam mê để đấu tập. Từ cuối năm lớp 10 đến nay, trung bình một ngày Thành chơi một trận. Nếu gặp những câu hỏi không trả lời được, cậu sẽ ghi lại, dành thời gian tìm hiểu khi rảnh.
Là học sinh chuyên Anh, cậu học trò đến từ Hải Phòng thấy mình có thế mạnh ngôn ngữ, kiến thức lịch sử, xã hội. Thành thường giành điểm các câu hỏi thuộc lĩnh vực này, có lần trở thành bước ngoặt, góp phần đưa em tới trận chung kết.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: