Theo dự báo của giới nghiên cứu, năm 2019, xu thế an ninh toàn cầu chủ đạo vẫn là hòa bình và tương đối ổn định. Tuy nhiên, an ninh kinh tế sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, bởi sự bất ổn trong phát triển và cuộc chạy đua giành ngôi vị trong TOP 5 nền kinh tế toàn cầu, sự cọ xát giữa các đại chiến lược của các cường quốc thế giới và khu vực.
Những biến số mới về an ninh toàn cầu hiện nay khiến cho bức tranh an ninh kinh tế toàn cầu năm 2019 trở nên “loang lổ với nhiều gam mầu xám”. Ảnh: Global Horizons
Từ mục tiêu “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”…
Chính quyền của Tổng thống Tump đã “đột phá” vào khâu cải cách thuế; rút Mỹ khỏi TPP; chuyển đổi NAFTA thành USMCA; chiến tranh thương mại Mỹ-Trung; triển khai Chiến lược kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (AĐ-TBD). Với “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Mỹ cam kết đầu tư 113 triệu USD để hỗ trợ các sáng kiến trong nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước trong khu vực.
Mỹ sẽ tăng gấp đôi mức chi tiêu toàn cầu cho sự phát triển của các công ty tài chính, khoảng 60 tỷ USD, nhằm khẳng định vai trò là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực cũng như muốn một khu vực châu Á “tự do và cởi mở”, không bị thống trị bởi bất kỳ quốc gia nào.
Washington khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà tụ điểm là cuộc chạy đua ngôi vị dẫn đầu thế giới về mạng viễn thông 5G, Mỹ hy vọng gỡ lại thâm hụt thương mại, thu về những lợi ích kinh tế lâu dài, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Đến “Made in China 2025”…
Sau khi vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2, năm 2010, Trung Quốc đã đặt mục tiêu bắt kịp và vượt Mỹ, soán ngôi số một thế giới vào năm 2035. Đây là mục tiêu lớn do Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra tháng 10-2017.
Theo đó các giải pháp chiến lược được đẩy mạnh như sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua thương mại đến 2025 đưa Trung Quốc thành “cường quốc chế tạo”, dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ, nhất là phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.
Bắc kinh cũng đẩy mạnh tham vọng trở thành nhà lãnh đạo 5G-công nghệ có khả năng hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng, các thành phố thông minh và xe hơi không người lái. Thông qua các thương vụ thâu tóm các công ty công nghệ cao của các nước khác, Trung Quốc hiện đã dẫn đầu thế giới về triển khai mạng 5G.
Thành lập Ngân hàng đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm cạnh tranh với IMF và ADB. Đồng thời, Bắc Kinh còn đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa đồng NDT sánh ngang USD và là một trong những đồng tiền thống trị thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa tham vọng trở thành nền kinh tế số một thế giới của Trung Quốc đang vấp phải những trở ngại không dễ vượt qua.
Abenomics “hồi sinh” vị thế số 2 thế giới…
Với chủ thuyết Abenomics Nhật Bản quyết tâm phục hồi nền kinh tế với việc sử dụng hiệu ứng từ kết hợp các chính sách tiền tệ táo bạo, tài khóa linh hoạt, cải cách cơ cấu, đưa GDP đạt mức 600 ngàn tỷ Yen vào năm 2020.
Chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua mục tiêu lạm phát, phá giá đồng Yen, lãi suất âm, sửa đổi luật ngân hàng; gia tăng lượng cung tiền và chi tiêu công, kích hoạt lưu thông tiền tệ qua đó cải thiện nền kinh tế. Đồng thời với việc thực hiện chương trình cải cách cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng cường kết nối toàn cầu, gia tăng nguồn nhân lực và tiếp cận các thị trường mới.
Nhật Bản đã toan tính trong việc mở rộng CTTPP để gia tăng ảnh hưởng đối với nền kinh tế thế giới. CTTPP hiện nay có tổng kim ngạch thương mại khoảng 10 nghìn tỷ USD, chiếm 15% giá trị hoạt động thương mại toàn cầu. Khi Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia gia nhập, con số này sẽ tăng thêm khoảng 4,9 nghìn tỷ USD.
Nhằm thu hút nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do giảm và già hóa dân số, bên cạnh việc triển khai cuộc “cách mạng robot” khởi xướng năm 2015 thì Nhật Bản đã mở cửa cho người lao động nước ngoài. Tính tới tháng 10/2017, có 1,28 triệu lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ đón nhận thêm nhiều lao động người nước ngoài thông qua hoạt động cấp quy chế công dân mới.
“Ấn Độ trước tiên” với “Made in India”…
Thủ tướng Modi đã xây dựng chương trình mang tên “Made in India” nhằm đưa Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Theo đó, việc đơn giản hóa thủ tục và cải thiện môi trường kinh doanh, với việc xác định 25 lĩnh vực trọng yếu, phấn đấu đưa tỷ lệ sản xuất chiếm 25% GDP của nước này vào năm 2025 và tạo ra 100 triệu việc làm mới.
Ấn Độ chủ trương chuyển trọng tâm sang khu vực láng giềng và các nước lớn khác tại châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Australia; Brazil, Nga, Nam Phi); trong đó ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng; thực hiện chính sách “hành động hướng Đông”, tham gia Đông Á và sử dụng chiến lược mới trong đàm phán FTA...
Ấn Độ đã thuyết phục Bắc Kinh đầu tư hàng chục tỷ USD vào các lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng, xây dựng kết nối đường sắt cao tốc và xây dựng hai khu công nghiệp tại các bang Gujarat và Maharashtra. Ấn Độ cũng thu hút đầu tư của Nhật Bản với 35 tỷ USD vào phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng. Đồng thời gia tăng hợp tác thương mại và an ninh với Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam và đẩy mạnh phát triển mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Phi.
“Tầm nhìn 2024” với mục tiêu “Top 5”…
Tổng thống Nga Putin đã cho công bố kế hoạch kinh tế với tiêu đề “Những ý tưởng và mục tiêu chiến lược về phát triển của LB Nga tầm nhìn 2024”. Theo đó, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh, dân số tăng đều, giảm tình trạng bất bình đẳng… Nga sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên mức trung bình của toàn cầu.
Nga vạch rõ các bước đi, xúc tiến các siêu dự án và phát triển các định dạng đa phương với các nước trong khu vực CA-TBD, nhằm tận dụng các cơ hội trong bối cảnh vai trò của Mỹ tại CA-TBD bị suy giảm. Nga cũng tăng cường quan hệ kinh tế cũng như thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trong EU, bất chấp các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Moscow.
Nga cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các dự án phát triển, hai bên đang xem xét sử dụng đồng Rupe và đồng NDT cho các giao dịch thương mại thay vì dùng đồng USD. Nga còn hợp tác với Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: nâng tuổi thọ, chất lượng sống; năng lượng, khí hóa lỏng, kỹ thuật số, cáp viễn thông ngầm tốc độ cao. Và hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực dầu khí, hạ tầng vận tải, công nghệ dược phẩm, chế tạo máy bay, xe hơi; ngành kim cương, nông nghiệp, giao thông và hạt nhân dân sự.
Về tài chính, Nga xây dựng kế hoạch “phi USD hóa”, giành nhiều lợi nhuận hơn từ việc sử dụng đồng Rupe... Khiến cho kế hoạch trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới có tính khả thi cao. Bởi xét về GDP theo Sức mua tương đương (PPP), thì Nga đang đứng ở vị trí thứ 6, chỉ sau Đức, mặc dù tăng trưởng vẫn được dự báo ở mức trung bình trong năm 2018.
Và “Chiến lược kết nối Á-Âu” của EU…
“Chiến lược kết nối Á-Âu” được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi EU phải có một chính sách đối ngoại phù hợp với nền kinh tế của khối nhằm đối phó với cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ D.Trump và ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á và châu Phi.
Nội dung chủ yếu của chiến lược này là cải thiện giao thông, kỹ thuật số, năng lượng, thúc đẩy các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, tạo ra việc làm, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận cho các cộng đồng địa phương. Đồng thời, EU nhấn mạnh đến yếu tố bền vững với đề xuất các khoản đầu tư cần tôn trọng quyền lao động, không tạo ra những phụ thuộc về chính trị hoặc tài chính và bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tăng 69 tỷ USD cho khuôn khổ đầu tư nước ngoài, phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư vào châu Á, đóng vai trò đòn bẩy giúp tăng cường nguồn tài chính từ khu vực tư nhân. Kim ngạch thương mại Á-Âu đang ở mức 1.700 tỷ USD/năm, kế hoạch kết nối hai lục địa thúc đẩy đầu tư từ EU vào châu Á sẽ tăng gấp 3-4 lần. Ngoài ra, EU còn đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy đầu tư ở Ấn Độ và khu vực Trung Á.
Theo giới quan sát, động thái này sẽ gia tăng tính cạnh tranh giữa các nước tại khu vực đang có nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng và đầu tư. Trong khi đó, EU khẳng định sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng của khối sẽ được kết nối với các chiến lược tương tự, gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, sáng kiến AĐ-TBD của Mỹ, Nhật Bản, và kế hoạch Kết nối 2025 của các nước ASEAN.
Như vậy, cùng với những hệ lụy về an ninh từ năm 2018 chuyển sang. Năm 2019 thế giới được dự báo có nhiều biến số mới về an ninh, nhất là sự cọ sát giữa các đại chiến lược của các cường quốc thế giới và khu vực, khiến cho bức tranh an ninh kinh tế toàn cầu năm 2019 trở nên “loang lổ với nhiều gam mầu xám” là có cơ sở.
Theo VOV