Ấm lòng bún sả, nghệ

13/10/2023 - 06:15

 - Mỗi lần tôi chạy xe ào vào quán, chị Nguyễn Ngọc Bích (sinh năm 1983, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) lại bật cười. Không hiểu sao, lần nào tôi ghé, trời cũng mưa như trút nước. Bên tô bún nóng hổi, chúng tôi lại rủ rỉ với nhau chuyện đời, chuyện đồ ăn. Cứ thế mà đã mấy năm ròng!

Lúc tôi mới ghé quán chị lần đầu, lắng nghe “đời bún” của chị, ngập tràn trong tô bún dường như là sự an yên của người phụ nữ vùng quê. Ngẩng mặt lên là đỉnh núi Ba Thê thoai thoải, chị cúi xuống là nồi bún gia truyền của mẹ để lại. Mẹ chị là người dân tộc thiểu số Khmer, cha là người Kinh, chị tiếp cận cả 2 nguồn văn hóa, trong đó có món bún sả, bún nghệ.

Lúc còn nhỏ, chị đã nhìn thấy mẹ hì hục nấu từng nồi bún. Cực lắm, ngày này qua ngày khác lặp lại việc giã nát ngải bún, sả non, tỏi, đậu phộng, cá lóc… thành một hỗn hợp nhuyễn đục. Tất cả được cho vào nồi nước (pha với nước dừa tươi), nấu sôi đến khi chín thì nêm nếm cho vừa ăn. Đúng ra, phải thêm chút mắm bồ hóc vào nữa, nhưng có vẻ khách ăn không thích lắm, nên mẹ chị bỏ hẳn.

Nồi bún đi khắp xứ Óc Eo, bằng bước chân kiên nhẫn của cha mẹ chị. Dần dần, món ăn được ưa chuộng, họ đủ điều kiện trụ lại ở một địa điểm bán cố định. Quán đơn sơ, món ăn cũng đơn sơ, nhưng chất chứa nguồn sống của các thế hệ gia đình.

Khác với bún cá Châu Đốc trứ danh với màu vàng ươm bắt mắt, bún sả xảm xảm màu sả. Mấy miếng cá cũng thế. Cả tô bún không có điểm nào đánh mạnh vào thị giác. Vậy mà ăn lần một, lần hai, lại cảm thấy… ghiền, muốn ăn nhiều lần nữa.

Trộn lớp rau, lớp bún, lớp sả thật đều, chan một muỗng mắm me, nước mắm, nặn chanh, thêm ớt cay, tất cả tạo thành hương vị tổng hợp đặc trưng. Trong món ăn ấy, có mùi thơm nồng của sả, vị đậm đà của nước lèo, vị chua cay mặn ngọt của các loại gia vị. Khách ăn kèm thêm đầu cá, hột vịt lộn… đều phù hợp.

Nhưng điều đặc trưng nhất của bún sả đâu chỉ thế. Tất cả nguyên liệu đã được giã nhuyễn trước khi nấu, nên toàn bộ “linh hồn” của tô bún hòa quyện, lẩn khuất trong phần nước lèo. Chỉ ăn hời hợt rau, bún như các loại bún khác, thì uổng phí. Cách ăn đúng nhất là thưởng thức từng muỗng nước lèo lợn cợn sả và cá, nhai xen lẫn “topping”, đến khi tô bún cạn nước. Thực khách nào tính tình hay “mắc cỡ”, cuối buổi ăn thường chừa lại một ít thức ăn, thì không hợp với món bún sả.

Bún sả còn một “người anh em” đặc sắc khác - bún nghệ. Đây cũng là món ăn do gia đình chị Bích chắt chiu hoàn thiện cách nấu mấy mươi năm nay. Mọi công đoạn đều y như bún sả. Chỉ khác ở chỗ, thay vì ướp cá với sả, thay thế bằng nghệ củ bằm nhuyễn vàng tươi, rồi đem đi xào chín.

Một mớ sả được đập dập, thảy vào nồi nước lèo, bổ sung thêm hương vị dân dã. Đối với tôi, món bún nghệ lấn lướt hương vị lẫn hình thức so các loại bún khác, trở thành “cặp bài trùng” với món bún sả. Hương vị nửa giống, nửa khác, khiến thực khách băn khoăn chọn lựa, thật lòng muốn ăn cả hai thứ cùng lúc!

Những hôm trời mưa, lỡ đường công tác hoặc đơn giản là nhớ quay quắt món ăn ấy, tôi vượt mấy mươi cây số, ghé quán của chị. Nhiều năm nay, quán vẫn chỉ có vài cái bàn nhựa, thậm chí không có cửa, đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn.

Bên ngoài là màn mưa rả rích, bên trong chúng tôi được vỗ về tâm tình và cái bụng đói bằng tô bún ấm nóng, thanh đạm. Mỗi ngày, quán nhỏ của chị Bích bán khoảng 100 tô bún sả, bún nghệ. Giá tô bún tăng theo thời gian (từ 12.000 lên 20.000 đồng), nhưng hương vị vẫn rặt truyền thống. Rồi chị còn bán luôn cả bún cua, bún thịt xào… thêm lựa chọn cho khách đường xa.

Từ thị trấn Núi Sập chạy vào thị trấn Óc Eo, có vài quán bún sả, tập hợp lại thành món ăn đặc biệt của vùng đất này. Mỗi người bán sẽ có bí quyết riêng, cách nêm nếm riêng. Khó có thể nhận xét chỗ nào ngon hơn, “chuẩn vị” hơn. Riêng tôi, chỉ “chung thủy” với quán chị Bích. Gắn bó giữa tôi và chị không chỉ nằm trong món ăn hợp vị, mà còn nằm ở những câu chuyện bên lề. Mấy năm trước, tôi từng hỏi chị: “Có bao giờ chị muốn “buông” nồi bún sả?”.

Hỏi câu ấy là vì thời điểm ấy, có “nghề gia truyền”, là kỷ niệm của thế hệ trước truyền lại, nên chị cố gắng bán đến lúc nào hết nổi thì thôi. Nói “gia truyền”, nhưng chưa biết hết đời mình rồi sẽ truyền nghề lại cho ai. Con cháu chắc chắn sẽ có hướng đi riêng của mình, dễ gì chịu gắn bó với nồi bún. Mà nếu tụi nó có muốn buôn bán, chị cũng không nỡ. Nghề này cực, thức đêm thức hôm…

Vẫn câu hỏi ấy, lúc này chị lại mãn nguyện nở nụ cười: “Con gái tôi 20 tuổi, có nghề riêng, thu nhập ổn định. Thấy tôi vất vả quá, con tiếp một tay buôn bán, không đi làm riêng nữa. Nếu tôi buông nồi bún, thì con vẫn tiếp quản ngon lành!”. Cô bé ít nói, ít thể hiện tình cảm, nhưng lẳng lặng đỡ đần phụ chị mọi thứ. Nồi bún như đậm hương vị tình thân, càng làm thực khách phương xa như tôi thêm ấm lòng…

VẠN LỘC