Ấm lòng quán ăn “0 đồng”

11/08/2023 - 05:13

 - Bên Đường tỉnh 941 (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), có một quán ăn mang tên “0 đồng”, góp phần lan tỏa sự yêu thương, tương trợ trong cộng đồng. Hàng ngày, bên chái bếp, nhiều tấm lòng thiện nguyện thầm lặng lo suất ăn miễn phí cho bà con nghèo...

Cái tâm hào sảng

Những người phục vụ bếp ăn miễn phí đều ở tuổi trung niên đến “thất thập cổ lai hy”. Không ai bảo ai, họ tự nguyện xắn tay vào bếp. Mỗi người một việc, họ làm bằng trái tim nhân hậu, không toan tính, vụ lợi, một lòng vì người nghèo khó hơn mình. Mờ sáng, bếp rộn rã tiếng cười nói của những người tử tế. Trong không gian khá rộng rãi, bà Đặng Thị Đỡ (51 tuổi) “tả xung hữu đột” với các chảo to, chuẩn bị thức ăn cho bà con ăn sáng.

“Tôi “xung phong” đứng bếp này 4 năm rồi. Quê tôi ở tỉnh Đồng Tháp. Những ngày rảnh, tôi thường đi nấu đám giỗ, đám cưới thuê. Nghe thông tin tỉnh An Giang có bếp ăn miễn phí, tôi bỏ việc, tìm đến. Xa quê, tôi được bố trí ăn, nghỉ tại chỗ, tiện bề phục vụ bếp núc cho bà con” - bà Đỡ chia sẻ. Ngày nào cũng vậy, bà dậy sớm, lo nấu những món ăn chay. Riêng ngày chủ nhật, bếp tạm dừng hoạt động, bà khăn gói về thăm con, thăm nhà.

Nhiều bà con được ấm lòng 

Tại quán ăn “0 đồng”, còn có cô chú tuổi cao, nhưng giàu nhiệt huyết với công tác thiện nguyện xã hội. Sáng tinh mơ, đã có người vội vã mua đường, muối, nước tương, lặt rau, gọt dưa, vo gạo nấu cơm, rửa chén, tô… tại bếp ăn. Họ làm “vần công” trong niềm phấn khởi, nhiệt tình.

Ông Nguyễn Văn Đởm bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng lẽ phải nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, ông vẫn hăng say làm từ thiện, gắn bó nhiệt tình với quán ăn. Là người tuổi cao, có uy tín, ông được “tín nhiệm” làm “quản gia” trông coi, theo dõi sổ sách quán cơm. Hôm chúng tôi ghé thăm, ông Đởm mời dùng cơm chay rất nhiệt tình.

"Quán cơm này do 2 đứa cháu của tôi (Thiện và Nhuận) thành lập, mục đích gánh vác một phần khó khăn cho xã hội. Thấy vậy, tôi hỗ trợ tiếp lo cho bà con nghèo quê hương mình” - ông Đởm bộc bạch.

“No lòng” cho nhiều người

Nằm nép mình ở vùng nông thôn hiền hòa, quán ăn “0 đồng” tuy không “hoành tráng”, nhưng cung cấp trên 500 suất ăn/ngày cho bà con nghèo và công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa. Mờ sáng, hàng trăm công nhân dậy sớm từ xã Vĩnh An, Vĩnh Hanh, Cần Đăng, thị trấn Vĩnh Bình… ghé quán dùng dĩa cơm chắc bụng, rồi vào làm việc.

Nhờ có quán cơm, chị Nguyễn Thị Bé tiết kiệm chi phí, dành dụm tiền lo cho gia đình... “Ăn sáng tại quán cơm này, tôi đỡ tốn 30.000 đồng. Buổi trưa, tôi lại cùng chị em công nhân đến đây dùng bữa. Nhờ vậy, đời công nhân bớt khổ!” - chị Bé cười tươi.

Ngoài công nhân, quán ăn “0 đồng” còn là “chỗ dựa” của bà con bán vé số, lao động nghèo. Ngày nào cũng vậy, ông Võ Văn Tiến (51 tuổi, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới) cà tịch cà tang khắp đầu trên xóm dưới, mưu sinh bằng nghề bán bánh cam. Bán được một nửa, ông Tiến ghé quán cơm lót dạ.

“Những món ăn chay rất ngon, đa dạng, người ăn thoải mái lựa chọn. Mỗi ngày, bán được 250 cái bánh cam, trừ sở hụi, tôi kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhờ ăn cơm này, tui đỡ tốn chi phí ăn sáng, uống nước, tiết kiệm đồng lời lo cho sấp nhỏ ăn học” - ông Tiến chia sẻ.

Hôm gặp chúng tôi, ông Tiến bày tỏ tấm lòng người quê bằng cách tặng chiếc bánh cam nhân đậu xanh và chiếc bánh còng tráng đường thơm phức. Chúng tôi trả tiền mà ông một mực không lấy…

Mỗi ngày, ông Ngô Văn Cảnh (57 tuổi, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) cũng dùng cơm tại quán này, khi rong ruổi bán vé số. Ông Cảnh cho hay, nhà ông không ruộng rẫy, gia cảnh khó khăn. Con cái lớn lên, đứa dựng vợ, đứa gả chồng, không được dư dả. Cuộc sống vất vả, chi phí tăng cao, nhờ quán ăn “0 đồng” mà ông Cảnh tiết kiệm mỗi tháng cả trăm ngàn đồng. “Sáng sớm, tôi tranh thủ có mặt tại quán. Ăn cơm xong, tôi tiếp tục đi bán vé số dạo. Quán cơm “0 đồng” là điểm tựa cho tôi cùng nhiều người gặp khó khăn tương tự” - ông Cảnh xúc động.

Ông Đởm kể: “Ngày trước, quán ăn tọa lạc gần ngã 3 lộ tẻ. Hoạt động được một thời gian, chủ nhà lấy mặt bằng lại. Để duy trì quán ăn, cháu tôi cho mượn mặt bằng (ngang 16m, dài 50m) tại đây. Nguồn kinh phí hoạt động do các nhà hảo tâm quyên góp. Mỗi buổi sáng, 18 người thường trực lo nấu cơm, chạy bàn. Hầu hết họ là nông dân ở các xã lân cận.

 “Ngày thường, quán phục vụ trên 10 món ăn khác nhau. Riêng vào ngày rằm, chúng tôi thay đổi khẩu vị cho bà con, bằng các món ăn, như: Bún, bánh canh, cháo, hủ tiếu… Từ khi hoạt động đến nay, quán ăn phục vụ rất đông thực khách, kể cả khách du lịch trong và ngoài tỉnh”.

Trong cuộc sống, có những người rất tử tế, giàu tình yêu thương đã đứng ra xây dựng “thương hiệu” quán ăn phục vụ miễn phí cho mọi người. Việc làm thiện nguyện ấy tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Chúng tôi thực sự thán phục những tấm lòng nhân ái ấy! 

HOÀNG MỸ