An Giang 10 năm thực hiện Luật Công đoàn

27/10/2022 - 07:43

 - Từ khi Quốc hội ban hành Luật Công đoàn năm 2012 đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã bám sát sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trong phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, củng cố tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Những nội dung cơ bản, những điểm mới được sửa đổi trong Luật Công đoàn 2012 đều được LĐLĐ tỉnh An Giang tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt đến các cấp công đoàn và công nhân lao động để hiểu rõ quy định của pháp luật công đoàn và từng bước đưa luật vào cuộc sống.

LĐLĐ tỉnh An Giang còn ký kết với các cơ quan thông tấn báo chí (Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo Lao động, Thông tấn xã Việt Nam tại An Giang) để đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn và các chế độ, chính sách pháp luật, Luật Công đoàn… Hoạt động tuyên truyền rộng khắp, đồng bộ với nhiều hình thức đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhiều đối tượng, các cấp, ngành và các tổ chức khác trong xã hội về tổ chức công đoàn.

Phát triển đoàn viên và thành lập mới tổ chức công đoàn là một trong những kết quả tích cực

Đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh An Giang đã phát triển thêm gần 31.000 đoàn viên. Tuy nhiên, giảm 171 công đoàn cơ sở (CĐCS), nghiệp đoàn, chủ yếu do sáp nhập công đoàn cơ sở CĐCS trường học, giải thể đơn vị có ít đoàn viên hoặc hoạt động không hiệu quả.

Hiện, toàn tỉnh An Giang có 110.666 đoàn viên/121.462 công nhân, viên chức, lao động đang sinh hoạt tại 1.502 CĐCS, nghiệp đoàn. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham gia đóng góp xây dựng các dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, tỉnh liên quan đến quan hệ lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động (NLĐ), với tổng cộng 372 lượt ý kiến. Công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến tích cực, với 215/227 CĐCS doanh nghiệp (DN) ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt 94,7% và tăng 26,1% so đầu nhiệm kỳ.

Qua 10 năm, các cấp công đoàn trong tỉnh An Giang đã tham gia cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát 2.613 cuộc tại các DN về việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, Luật Công đoàn, các chế độ chính sách, pháp luật theo quy định và nắm bắt kịp thời đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ, tình hình quan hệ lao động tại DN. Công đoàn còn tham gia, phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, kịp thời giải quyết nhiều vướng mắc trong quan hệ lao động.

Đặc biệt, chương trình “Mái ấm công đoàn” chăm lo nhà ở cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đạt hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã hỗ trợ cất 1.369 căn nhà "Mái ấm công đoàn", với số tiền 39,4 tỷ đồng. Các cấp công đoàn còn vận động một số DN cùng chăm lo nhà ở cho công nhân với hình thức đối ứng. Qua đó, cất mới 269 căn, sửa chữa 20 căn, với vốn đối ứng của DN trên 5,2 tỷ đồng.

Đại diện các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cho rằng, qua 10 năm thực hiện Luật Công đoàn đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức công đoàn phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn ngày càng được các cấp ủy Đảng quan tâm đặc biệt, không còn quan niệm công đoàn chỉ để thăm hỏi, tổ chức tham quan du lịch… như trước đây. Tuy nhiên, một số cán bộ công đoàn bày tỏ trăn trở, hoạt động CĐCS DN ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn do áp lực sản xuất rất lớn.

Để “tiếng nói” của cán bộ công đoàn đủ trọng lượng với chủ DN, rất cần sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên hoặc chính quyền địa phương trong thuyết phục, vận động các chủ DN. Nhiều đại biểu còn đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, điều chỉnh phụ cấp cho cán bộ CĐCS để tạo sự an tâm về tư tưởng cho cán bộ công đoàn.

Trên địa bàn tỉnh, 10 năm qua, không có trường hợp phản ánh, tố cáo về các vi phạm hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, việc nhận diện vi phạm hành vi bị nghiêm cấm là rất khó, do đó cần phải có văn bản quy định cụ thể. Nhiều vấn đề trong thực tiễn ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn, như: Chủ sử dụng lao động và cả NLĐ chưa hiểu hết ý nghĩa của việc gia nhập vào tổ chức công đoàn; bộ máy tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực tế chưa phù hợp; việc thu chi tài chính còn chưa nghiêm túc, chưa thu đúng, thu đủ…

Cùng với đó, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn chậm đổi mới và chưa cụ thể hóa hoạt động phù hợp tình hình thực tế với từng loại hình cơ sở. Thời gian qua, tình trạng thay đổi cán bộ chủ chốt của CĐCS thường xuyên diễn ra tại các đơn vị khu vực ngoài nhà nước, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động công đoàn.

Để phát huy những kết quả đạt được, các cấp công đoàn trong tỉnh đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt Luật Công đoàn năm 2012, nâng cao chất lượng hoạt động bằng những việc làm thiết thực, mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, thời gian tới, công đoàn sẽ gặp nhiều thách thức khi có thêm một tổ chức ngoài công đoàn đại diện chăm lo, bảo vệ NLĐ. Việc đổi mới hoạt động trong tình hình mới là cần thiết để NLĐ thấy được vị trí quan trọng của tổ chức công đoàn. Những nội dung chưa phù hợp sẽ tiếp tục được nghiên cứu để góp ý sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, đáp ứng sát hơn nhu cầu thực tiễn hiện nay.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích