Tranh lá và tranh gân lá bồ đề được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao
Nhiều sản phẩm nổi bật
Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND TP. Long Xuyên ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng thương hiệu ở nhóm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… là những sản phẩm thế mạnh ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ở xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), ông Nguyễn Văn Thuận (vườn dâu Hai Thuận) được cho là người đi đầu trong việc đưa cây dâu tằm về trồng trên đất ruộng. Ngoài bán nông sản và phục vụ khách tham quan, ông Thuận còn tìm tòi, nghiên cứu, sản xuất các loại thức uống từ cây dâu tằm, như: Mứt dâu, rượu dâu, nước cốt dâu, si-rô dâu, sinh tố dâu… Trong đó, sản phẩm nước cốt dâu tằm với thương hiệu Nước cốt dâu tằm tươi Hai Thuận là một trong những sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang xếp hạng OCOP 3 sao.
Ông Thuận cho biết, để làm được loại nước cốt dâu ngon, hương vị đặc trưng thì phải sử dụng trái dâu tươi, chín đều, không bị dập, úng. Nguyên liệu được rửa sạch rồi trộn với đường, đem ủ lên men cho ra nước, chắt ra đóng chai bán. Trong quá trình sản xuất, ông Thuận không pha trộn hay cho thêm bất cứ chất bảo quản hay loại hóa chất nào. Nhờ vậy, nước cốt dâu tằm có được hương vị đặc trưng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm đang được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, giá cả phải chăng.
Không giống như ông Nguyễn Văn Thuận, phát triển sản phẩm OCOP từ cây ăn trái, bà Mai Anh Phương, cơ sở Đồ Mai (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) lựa chọn phát triển sản phẩm OCOP từ hàng thủ công mỹ nghệ, cụ thể là tranh từ lá và gân lá bồ đề. Bà Phương chia sẻ: “Tôi chọn lá bồ đề làm tranh, bởi lá cây này gắn liền với Phật giáo. Ngoài ra, lá bồ đề có hình trái tim mang ý nghĩa về tình cảm yêu thương, nên tôi muốn mang đến khách hàng những sản phẩm được làm bằng tấm lòng và tình cảm của mình, chứ không đơn thuần là mua bán”.
Từ những lá bồ đề tưởng như bỏ đi, qua bàn tay của bà Phương đã trở thành những bức tranh độc đáo. Chủ đề của tranh khá đa dạng, từ những thông điệp tích cực về gia đình và cuộc sống; những câu nói hay, ý nghĩa của các bậc vĩ nhân, các loại tranh chữ… Tranh lá bồ đề và tranh gân lá bồ đề có thể dùng trang trí cho gia đình, cửa hàng hoặc nơi làm việc… Các dòng sản phẩm tranh từ lá bồ đề của bà Phương được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ
Xác định “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình ý nghĩa, góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi công nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, TP. Long Xuyên đã tổ chức phát động và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa chương trình. Đồng thời, phổ biến đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về nguyên tắc và quy trình đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP.
Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, TP. Long Xuyên chủ động hỗ trợ đơn vị phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung vào việc: Xây dựng, cải tiến bao bì, nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng bao bì, nhãn hiệu hàng hóa; thực hiện quản lý, bán hàng trên các trang thông tin điện tử; kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị…
Ngoài ra, địa phương còn phối hợp sở, ban, ngành hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các phiên chợ, hội chợ, kết nối các sản phẩm của OCOP địa phương trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ kinh doanh trên các trang thương mại điện tử...
Thông qua các phương pháp hỗ trợ tích cực, kịp thời, các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Long Xuyên ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 10 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 3 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao. Các sản phẩm trên thuộc 7 chủ thể và thuộc nhóm ngành hàng là thực phẩm và thủ công mỹ nghệ.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, TP. Long Xuyên tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm OCOP thông qua các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các hướng dẫn, nguyên tắc và quy trình xét chọn sản phẩm OCOP. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của địa phương…
MINH ĐỨC