Các dự án đầu tư về bảo tồn tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê nói riêng, di tích văn hóa Óc Eo khác trong tỉnh nói chung chủ yếu tập trung thực hiện biện pháp quản lý, bảo vệ, như khoanh vùng bảo vệ di tích, xây dựng nhà trưng bày, xây dựng mái che… Trong điều kiện hiện nay, các dự án này là rất cần thiết, đảm bảo hiện vật văn hóa Óc Eo được bảo quản kịp thời, một số điểm di tích được bảo tồn tại chỗ, góp phần trong việc khai thác phát huy giá trị di tích.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là nhiệm vụ quan trọng
Ngày 22/11, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang phối hợp MobiFone chi nhánh An Giang khai mạc triển lãm cổ vật văn hóa Óc Eo do Nhân dân hiến tặng giai đoạn 2016 - 2024, ra mắt sản phẩm du lịch thông minh trên nền tảng số VR 360 về khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê. Việc đưa di tích vào không gian ảo thông qua công nghệ VR360 không chỉ giúp du khách có thể trải nghiệm di tích một cách sống động, dễ dàng và thuận tiện từ mọi nơi, mà còn mang đến những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa vùng đất Óc Eo - Ba Thê.
Ngày 4/1/2022, Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) đã ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Hiện, hồ sơ giai đoạn 1 đã hoàn thành; đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 về xây dựng hồ sơ khu di tích, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hy vọng trong thời gian tới, việc triển khai bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê với những dự án nghiên cứu sâu về bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ giúp cho khu di tích vừa được bảo tồn tốt, vừa khai thác được tiềm năng phát triển du lịch.
SONG MINH