An Giang bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

06/03/2023 - 05:54

 - An Giang hiện có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Tỉnh hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của các cộng đồng dân tộc trên vùng đất An Giang. Đây là nguồn tài nguyên quý giá góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

A A

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Trương Bá Trạng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành VH-TT&DL triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các nghị định, thông tư có liên quan lĩnh vực di sản văn hóa.

Đặc biệt, chú trọng công tác phân cấp quản lý giữa các sở, ngành, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả và chặt chẽ công tác quản lý di sản văn hóa. Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và tình hình thực tế địa phương; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp công tác phối hợp giữa các cấp, ngành được thuận lợi, chặt chẽ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Sở VH-TT&DL An Giang đã triển khai thực hiện quyết định phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn các địa phương kiện toàn, thành lập Ban quản lý di tích theo quy định về phân cấp quản lý.

Đến nay, hầu hết các di tích đều kiện toàn ban quản lý di tích, một số di tích đang xây dựng quy chế hoạt động. Công tác quản lý di sản văn hóa ngày càng được thực hiện chặt chẽ và đi và nền nếp. Các ban quản lý di tích ý thức hơn về giá trị di sản văn hóa, về trách nhiệm cũng như chấp hành tốt các quy định pháp luật trong việc bảo vệ di tích tại địa phương.

Về công tác trùng tu di tích theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn (2017 - 2020), An Giang được Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích đối với di tích cấp quốc gia.

Cụ thể, năm 2018, thực hiện trùng tu các di tích thánh đường Hồi giáo Mubarak (TX. Tân Châu), với kinh phí thực hiện 500 triệu đồng; cột Dây Thép, chùa Bà Lê (huyện Chợ Mới), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu), với tổng kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng.

Năm 2020, Bộ VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí trùng tu cho 2 di tích cấp quốc gia đình Mỹ Phước (700 triệu đồng) và đình Bình Mỹ (500 triệu đồng); đặc biệt Trung ương đầu tư trùng tu cho Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên 46 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, An Giang rất quan tâm đầu tư cho công tác trùng tu tôn tạo di tích từ ngân sách tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đầu tư hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp cho 9 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ tu sửa cấp thiết 6 di tích cấp tỉnh từ nguồn ngân sách sự nghiệp tỉnh, với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng (từ năm 2017 - 2019)…

Là người gắn bó với đình Mỹ Phước mấy mươi năm, ông Nguyễn Bá Vinh (75 tuổi, Trưởng ban Quý tế đình Mỹ Phước, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) nắm rõ về lịch sử, đặc điểm, nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng… liên quan đến di tích.

Ông Vinh cho biết: “Đình Mỹ Phước là 1 công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, với 4 bộ nóc. Mái lợp ngói đại tiểu, trang trí nội, ngoại thất đẹp với nhiều chủ đề truyền thống dân gian, như: Bát tiên, lưỡng long, chim phụng, cá hóa rồng… với nhiều chất liệu, màu sắc. Đình thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, được vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban sắc phong.

Đình còn là nơi thờ vọng vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh có công di dân, lập ấp, giữ yên vùng đất Nam Bộ nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, như: Sắc phong thần (vua Tự Đức phong sắc năm 1852), bức hoành phi bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, cặp hạc cưỡi quy cao 150cm…

Ngày 26/6/1995, đình Mỹ Phước được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hàng năm, chính quyền địa phương, Ban quản tế đình Mỹ Phước thường xuyên quan tâm tu bổ, bảo tồn di tích, duy trì các nghi lễ truyền thống để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích”.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang giao ngành VH-TT&DL phối hợp chính quyền địa phương tập trung ưu tiên lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Quần thể di tích danh thắng núi Sam lên cấp quốc gia đặc biệt; phối hợp Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tham gia Đề án khai quật tổng thể Khu di tích Óc Eo - Ba Thê của Việt Hàn lâm Khoa học Việt Nam chủ trì; xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận di sản thế giới…

Qua đó, nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

THU THẢO

 

ban-doc
phong-su-ky-su
an-ninh-trat-tu