An Giang: Buôn lậu, có triệt phá, nhưng chưa triệt để

21/03/2023 - 07:57

 - Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Nguyên nhân

Điều này có nghĩa, trên địa bàn tỉnh, tình trạng buôn lậu vẫn còn xảy ra. Đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới, tìm cách đưa hàng qua biên giới, vào sâu nội địa để tiêu thụ. Phân tích nguyên nhân buôn lậu vẫn còn, thượng tá Nguyễn Hồng Khiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh khái quát, khu vực biên giới giữa An Giang và tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia) có chiều dài gần 100km, đi qua 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố. Biên giới có đoạn người dân sống gần sát đường biên, việc qua lại rất khó kiểm soát. Mặt khác, phía ngoại biên (đối diện) có nhiều kho chứa hàng hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng tội phạm lợi dụng đưa hàng qua biên giới. 

Ngoài địa hình, một nguyên nhân khác, mà theo ông Khiêm là nguyên nhân chủ yếu: Đó là giá cả các mặt hàng thuốc lá, đường cát, bia, rượu, nước giải khát trong nước và nước ngoài chênh lệch cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, lợi nhuận mang lại nhiều, nên họ tìm cách qua mắt lực lượng chức năng. “Trước tình hình trên, BĐBP phối hợp các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới, trao đổi thông tin, phân tích tình hình, thủ đoạn, địa điểm tập kết hàng để có biện pháp đấu tranh… Từ sự phối hợp tốt nên công tác đấu tranh mang lại hiệu quả tích cực” - thượng tá Khiêm phân tích.

Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu

Về thủ đoạn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Đào Thịnh Vinh cho biết, một số đối tượng cất giấu hàng hóa nhập lậu trà trộn vào các loại hàng hóa được làm thủ tục hải quan, vận chuyển trên phương tiện xuất, nhập cảnh đã làm thủ tục hải quan, khai sai số lượng hàng hóa nhập khẩu để trốn thuế. Buôn lậu vẫn còn, thủ đoạn thì tinh vi, nên công tác phòng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh được xác định là việc làm thường xuyên, lâu dài, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia.

Giải pháp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã chỉ ra 7 vấn đề còn tồn tại và yêu cầu các đơn vị, địa phương cần khắc phục. Cụ thể, thuốc lá lậu vẫn còn bán trên thị trường, điều này có nghĩa là đường dây buôn lậu thuốc lá bị triệt phá nhưng chưa triệt để. Phân bón giả, kém chất lượng từ các tỉnh khác vào An Giang vẫn còn. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu đề ra…

Ông Trần Anh Thư yêu cầu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm, đồng thời xây dựng kế hoạch chuyên nghiệp, ở đó có sự tham gia của nhân dân, hệ thống chính trị. Vận động người dân khu vực biên giới, không tiếp tay cho buôn lậu, đây là trách nhiệm của các địa phương biên giới.

Về chuyên môn, lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác, xem xét, phân tích vì sao tỷ lệ xử lý các hành vi vi phạm ở mức hình sự còn thấp so với hành chính, chỉ ra cho được nguyên nhân và đề ra giải pháp. Công an tỉnh tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu chống buôn lậu để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng tham gia buôn lậu trong từng lần vi phạm để có biện pháp xử lý đúng người, đúng tội.

Tiếp tục xây dựng “lực lượng tay, mắt” trong nhân dân, vận động tố giác buôn lậu, đồng thời tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức, không tham gia buôn lậu. Tiến hành lắp đặt camera để theo dõi những người thường xuyên qua lại biên giới. Các ngành, lực lượng tiến hành rà soát các công cụ, thiết bị, kho bãi cần thiết để đề xuất Ban Chỉ đạo 389 tỉnh có kế hoạch trang bị. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để công tác này đạt kết quả cao nhất…

“Phía Bắc, các lực lượng chức năng triệt phá mạnh về buôn lậu, ma túy, nên các đối tượng này dịch chuyển vào khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ để hoạt động, lôi kéo người dân khu vực biên giới tham gia. Sắp tới, các lực lượng chức năng, địa phương có chung đường biên giới cần nhận thức rõ điều này, để có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

 

BÌNH MINH