An Giang chăm lo an sinh xã hội

22/06/2023 - 06:46

 - Xác định công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện tốt các chính sách dành cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người yếu thế vươn lên trong cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang đã chi trợ cấp Tết (theo quyết định của Chủ tịch nước) cho hơn 12.800 người có công và thân nhân, với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; chi trợ cấp Tết (theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh) cho hơn 31.000 người có công và thân nhân, với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng; chi trợ cấp cho hơn 90.000 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, với hơn 98 tỷ đồng. Hỗ trợ thực hiện 5 mô hình giảm nghèo, với 123 hộ dân tham gia…

Toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 2.637 người, giải quyết cho 4.626 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng kinh phí chi trả hơn 82 tỷ đồng. Tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm và 10 điểm - cụm tư vấn việc làm cho hơn 111 doanh nghiệp (DN) và 4.526 lao động tham dự; hỗ trợ 107 lao động làm việc ở nước ngoài, trong đó phần lớn là thị trường Nhật Bản và Đài Loan.

Trao nhà Đại đoàn kết cho người dân xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú)

Tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tín dụng chính sách. Tuyên truyền về phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động Quỹ Vì người nghèo các cấp; huy động nguồn lực cho Quỹ Vì người nghèo và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội…

Theo Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang, từ năm 2020 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận số tiền hơn 150 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19; trong đó cấp tỉnh tiếp nhận 68,37 tỷ đồng, cấp huyện tiếp nhận hơn 60 tỷ đồng và cấp xã tiếp nhận gần 21 tỷ đồng.

Từ số tiền tiếp nhận được đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các cấp hỗ trợ người dân và lực lượng phòng, chống dịch tại các khu cách ly; hỗ trợ, tặng quà các chốt kiểm soát đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới; hỗ trợ thu mua nông sản giúp nông dân ở các địa phương, với tổng số tiền trên 117 tỷ đồng. MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức tiếp nhận hiện vật (gạo, rau, củ, mì gói, đường, sữa, khẩu trang y tế, test xét nghiệm...) ước tính quy tiền trên 218 tỷ đồng để hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và người dân gặp khó khăn.

Qua các hoạt động thiện nguyện ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, như: Tổ chức các hoạt động “Cây ATM gạo”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”… và các nhóm thiện nguyện đến phát quà cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 tại các xã, phường, thị trấn. Qua đó, hỗ trợ 1.758.876 lượt người (113.697 hộ) là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt khó khăn và đối tượng bán vé số, mua bán nhỏ… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, tỉnh An Giang đang triển khai cất 381 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo từ nguồn tài trợ của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang và các tỉnh năm 2023. Các địa phương trong tỉnh cũng duy trì vận động Quỹ Vì người nghèo để thực hiện công tác an sinh xã hội, như: Huyện An Phú xây dựng 37 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; huyện Chợ Mới xây 6 cây cầu và bê-tông hóa đường nông thôn, với số tiền 4,6 tỷ đồng; TP. Long Xuyên vận động xây 2 cây cầu trên 2 tỷ đồng…

Chị Lê Thị Ngọc Mai (sinh năm 1981, ngụ khóm Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) vừa được bố trí ở Khu dân cư Đại đoàn kết, xúc động chia sẻ: “Có được căn nhà thế này là điều tôi chưa dám mơ ước tới. Tôi rất biết ơn lãnh đạo huyện, các DN đã hỗ trợ, gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn để tăng thu nhập, sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Liên đoàn Lao động tỉnh duy trì tổ chức chương trình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động” suốt 8 năm qua. Đây là diễn đàn để đoàn viên, người lao động được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị đối với lãnh đạo tỉnh những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; qua đó, kịp thời tháo gỡ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN nói riêng và đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Qua chương trình gặp gỡ, đối thoại, công nhân lao động nêu lên nhiều ý kiến về chế độ đãi ngộ, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao; các chính sách hỗ trợ DN tìm kiếm đơn hàng, ổn định sản xuất để người lao động có việc làm, thu nhập ổn định; tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với chủ DN đóng thiếu hoặc nợ bảo hiểm kéo dài; quan tâm đầu tư xây dựng các trường mầm non, nơi giữ trẻ ở gần các khu công nghiệp với học phí ưu đãi cho con công nhân lao động...

HỮU HUYNH