An Giang: Chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp

02/12/2021 - 05:37

 - Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 khiến phần lớn doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh khó khăn. Sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ cùng DN của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương là rất cần thiết nhằm khơi dậy động lực để DN vươn lên, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD).

Doanh nghiệp gặp khó

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang Hồ Việt Hiệp cho rằng, DN hiện nay vừa gặp khó khăn do dịch bệnh, vừa chịu nhiều áp lực. “Do DN dừng hoạt động lâu, chi phí ăn vào vốn, không còn tài sản thế chấp nên khó huy động vốn tái sản xuất trở lại. Cần có cơ chế phối hợp bảo lãnh vốn cho DN, cho vay dựa trên phương án SXKD khả thi, đẩy mạnh cho vay tín chấp hoặc bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Lượng lao động hiện đang dư thừa nhưng DN tuyển dụng không dễ, cần đẩy mạnh kết nối giữa DN và người lao động (NLĐ). Trong khi DN bước vào giai đoạn khôi phục SXKD thì chi phí nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển cao, sức mua còn yếu; phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhiều tốn kém…” - TS Hồ Việt Hiệp đánh giá.

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang, nhằm tạo điều kiện cho DN khôi phục SXKD, cần ưu tiên phủ vaccine đủ liều, tiêm vaccine nhắc lại cho NLĐ. Tỉnh nên đề xuất Trung ương có cơ chế xã hội hóa vaccine, để DN cùng Chính phủ chăm lo vaccine, chủ động tiêm vaccine cho NLĐ theo nhu cầu DN.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, vaccine là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN yên tâm duy trì SXKD. “Hơn 6.000 lao động của Nam Việt đều đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Đây là cơ sở để DN triển khai sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19. Nên xuất hiện F0, chỉ cần tách ra khu cách ly, điều trị tại chỗ. Những người sản xuất chung tổ với F0 được cách ly tạm thời, nếu test dương tính thì tiếp tục tách ra điều trị, như vậy sản xuất không bị gián đoạn. Việc điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại chỗ rất hiệu quả, nhanh khỏi bệnh, bởi đã có 2 mũi vaccine. Nếu nhà nước có cơ chế xã hội hóa vaccine, chúng tôi sẵn sàng đặt mua vaccine để tiêm nhắc mũi 3 cho NLĐ” - ông Doãn Tới nhấn mạnh.

Cũng theo ông Doãn Tới, phần nhiều các DN hiện nay đều tổ chức sản xuất tăng ca buổi tối, việc quy định giới nghiêm từ 20 giờ tối khiến lao động đi về sau giờ này có thể bị xử phạt, nên cần xem xét quy định này.

Tháo gỡ cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các DN vận tải hành khách công cộng chịu rất nhiều thiệt hại. “Xe dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, nợ vay, bảo dưỡng... Mỗi chiếc xe giường nằm trị giá hơn 3,6 tỷ đồng đều vay ngân hàng để mua, ngân hàng lại buộc phải mua kèm bảo hiểm vật chất thân xe. Hơn 6 tháng xe đậu yên tại chỗ nhưng vẫn phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng mua bảo hiểm, rất bất hợp lý” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiên Thiên Hương Nguyễn Đình Quát chia sẻ. Theo đề xuất của ông Quát, ngân hàng nên bỏ quy định mua bảo hiểm vật chất khi xe dừng hoạt động. Đồng thời, lùi thời hạn quy định bắt buộc gắn camera giám sát trên xe khách từ ngày 1-1-2022, bởi DN vận tải hiện đang gặp nhiều khó khăn, không có kinh phí lắp đặt.

Tương tự, du lịch (DL) cũng là ngành gặp khó do dịch bệnh COVID-19 nhưng có thể phục hồi từng bước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn, có thể xây dựng mô hình “DL không chạm” để thích ứng an toàn với dịch bệnh. “Việc phủ nhanh vaccine là điều kiện để phục hồi hoạt động của khu điểm DL, hoạt động lữ hành, lưu trú. Theo đó, khi xây dựng tour, tuyến giữa các tỉnh, đơn vị lữ hành lên trước lịch trình đi cung đường nào, ghé ở đâu ăn, nghỉ ngơi ở đâu. Những điểm đến, điểm lưu trú, nhà hàng có thể xây dựng mô hình “không chạm”, tức không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên, người địa phương với du khách. Khi đến điểm ăn, thức ăn được dọn sẵn, khách tự ăn; đến khách sạn, khách tự vào phòng, tự phục vụ (vật dụng, nước uống, thức ăn được chuẩn bị sẵn); đến điểm DL, khách tự tham quan; thanh toán bằng chuyển khoản, không dùng tiền mặt. An Giang cần thống nhất với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xây dựng tiêu chí hoạt động DL an toàn, đồng bộ” - ông Toàn đề xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân đang đối mặt. Tỉnh tiếp tục cam kết đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ DN, NLĐ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể là phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng, linh hoạt. “An Giang thống nhất quan điểm cho DN “bóc tách” F0, điều trị tại chỗ với F0 nhẹ, không triệu chứng (DN cần chuẩn bị khu cách ly F1 tại chỗ, nơi điều trị F0), khoanh vùng gọn và vẫn duy trì SXKD, không vì có F0 mà đóng cửa DN” - ông Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần nỗ lực, vào cuộc thực chất hơn nữa để xem xét, giải quyết những vướng mắc của DN. Nhất là, hỗ trợ điều kiện y tế, cung ứng nguồn lao động tại địa phương, miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất cho vay, ân hạn nợ vay, linh hoạt các hình thức cho vay mới… nhằm tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển SXKD.

“UBND tỉnh đã quan tâm kiện toàn bộ máy hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang, đề cử TS Hồ Việt Hiệp (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp. Các DN cần mạnh dạn tham gia, đề xuất ý kiến với Hiệp hội, xem đây là cầu nối quan trọng giữa DN và lãnh đạo tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

NGÔ CHUẨN