An Giang chủ động ứng phó với sạt lở nguy hiểm

10/10/2022 - 06:59

 - Mưa lớn liên tục làm cho nền đất yếu, bở rời, cộng với áp lực nước lũ đổ về nhiều, xoáy sâu vào bờ càng làm tăng nguy cơ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Bên cạnh các giải pháp ứng phó thì việc ứng dụng công nghệ cảnh báo sạt lở từ sớm, từ xa là rất cần thiết.

Sạt lở liên tục

Dù chỉ chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 (siêu bão Noru) nhưng những ngày mưa lớn liên tục đã gây ra hàng loạt vụ sạt lở, răn nứt trên địa bàn tỉnh An Giang. Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, trong 3 ngày chịu ảnh hưởng siêu bão (28, 29 và 30/9/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 đoạn răn nứt, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 288m, gồm: Huyện An Phú (1 đoạn răn nứt, 2 đoạn sạt lở), Chợ Mới (1 đoạn sạt lở), Tri Tôn (6 đoạn sạt lở).

Cụ thể, ngày 29/9, tại tuyến kênh Cỏ Lau (cồn Ba Son, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú) đã xảy ra 1 đoạn sạt lở thuộc bờ Bắc kênh Cỏ Lau (cách UBND xã Phú Hữu về hướng Tây khoảng 50m), chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền từ 1-3m.

Hôm sau (ngày 30/9), tại ấp Quốc Khánh (xã Quốc Thái, huyện An Phú), khu vực bờ Tây sông Hậu xuất hiện 1 đoạn răn nứt với chiều dài khoảng 50m, ngang 1-2m (từ bến đò Cây Me đi lên thượng nguồn) và 1 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 50m, ngang 1-3m (cách đoạn răn nứt khoảng 50m hướng về phía thượng nguồn).

Tối 29/9, tại tuyến bờ kênh thuộc tiểu vùng 3 (ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) xảy ra sạt lở chiều dài 5m, ăn sâu vào đất liền 4m (sạt một phần mặt đường). Sạt lở ảnh hưởng đến lưu thông qua lại của người dân trong khu vực.

Trong các ngày 28, 29 và 30/9, tại huyện Tri Tôn xảy ra 6 đoạn sạt lở, tổng chiều dài 153m. Trong đó, ấp Cây Me (xã Châu Lăng) xảy ra 3 đoạn sạt lở, chiều dài 78m, ăn vào đất liền từ 3-3,5m; ấp An Lương (xã Lương Phi) có 2 đoạn sạt lở, dài khoảng 60m, ăn vào đất liền 3m.

Tại xã Lương An Trà, do ảnh hưởng bão số 4, xuất hiện mưa lớn kéo dài, đã làm cho một đoạn đường bê-tông cặp kênh Tám Ngàn (phía sau UBND xã Lương An Trà) bị sạt lở, sụp một đoạn đường chiều dài 15m, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do đường giao thông nông thôn sát bờ sông, kênh, rạch, mái bờ thẳng đứng, lưu thông qua lại của các phương tiện giao thông thủy, bộ nhiều, kết hợp với ảnh hưởng mưa lớn kéo dài do bão số 4 làm cấu trúc đất mềm, bở rời… gây sạt lở.

Để khắc phục, các địa phương đã vận động người dân chặt mé cây lớn gần vị trí sạt lở để hạn chế sạt lở phát sinh thêm, làm rào chắn tạm, cảnh báo nguy hiểm vị trí sạt lở. Các địa phương huy động nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để gia cố, khắc phục tạm thời các điểm sạt lở để bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn lưu thông của người dân.

Tăng cường cảnh giác

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Việt Trí cho biết, 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 1.505m, ảnh hưởng 17 căn nhà của người dân, ước thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng. Nhìn chung, tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô, tần suất; sạt lở lan rộng các kênh, rạch nội đồng theo chiều hướng nghiêm trọng.

Theo ông Trí, công tác phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo sâu sát, các cấp, ngành và địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ. Hàng năm, Sở TN&MT đều thực hiện công tác đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở bờ sông 2 đợt vào mùa khô và mùa mưa, triển khai đo đạc sạt lở đột xuất kịp thời và hiệu quả.

Theo kết quả quan trắc, toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 181,54km (14 đoạn mức độ bình thường, 37 đoạn nguy hiểm và 5 đoạn đặc biệt nguy hiểm).

Các đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, gồm: Đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu) dài 6,9km, trong đó sạt lở mạnh thuộc 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4,4km; đoạn  sông  Hậu  chảy qua xã  Bình  Mỹ (huyện Châu  Phú)  dài 1,9km, kéo dài từ vàm kênh Cây Dương đến bến phà Năng Gù, trong đó trọng yếu tại khu vực Trường Tiểu học “A” Bình Mỹ (điểm 2); đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh, dài 3,3km; đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân) dài 3,1km, thuộc ấp Phú Quới; đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới, từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông, dài 3,6km (điểm cuối là chùa Liên Hoa).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm (Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang) cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực cảnh báo sạt lở của Sở TN&MT, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, kể cả các tuyến kênh, rạch để kịp thời phát hiện, xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngành chức năng cùng chính quyền địa phương chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, sụt lún.

“Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh và cấp huyện, xã huy động nguồn lực địa phương, Quỹ Phòng, chống thiên tai, các nguồn lực hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiểm tra các điểm, tuyến sông, kênh rạch bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở để tiếp tục đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế, khắc phục sạt lở” - ông Lâm thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung công tác phòng, chống sạt lở, tiếp tục triển khai thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy, các giải pháp công trình và phi công trình, ứng dụng công nghệ cảnh báo sạt lở sớm trên địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó kịp thời và hiệu quả.

NGÔ CHUẨN