Xây dựng mã số vùng trồng
Chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của quốc gia. Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trước đó, UBND tỉnh An Giang ban hành Chương trình 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đang triển khai thí điểm tổ công nghệ số cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước “3 biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của khách hàng. Do đó, sản xuất nông nghiệp luôn bị động, thiếu sự kết nối thông qua hệ thống dữ liệu số, dẫn đến “mù mờ” về thông tin.
Người sản xuất thiếu thông tin về thị trường, thị trường thiếu thông tin về sản xuất khiến mối liên kết cung - cầu bị “đứt gãy”. Chính sự bất cân xứng thông tin thị trường, kết nối cung - cầu chưa chặt chẽ dẫn đến điệp khúc “được mùa rớt giá”, hay đâu đó lại xuất hiện việc “giải cứu nông sản”.
Vấn đề của nông sản có tính chu kỳ, là quy luật tất yếu của việc sản xuất không gắn với thị trường, như chuyện “giải cứu” hành tím Sóc Trăng, khoai lang tím Vĩnh Long, hiện nay là xoài và một số loại trái cây vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, đã đến lúc An Giang cũng như các tỉnh phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chuyển đổi bắt đầu từ việc xây dựng và hình thành các mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Cá tra, lúa gạo, xoài, rau màu… Xem đây là một cuộc cách mạng nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nếu không sẽ lỡ nhịp.
Quan tâm kinh tế tuần hoàn
TS Đoàn Thanh Nghị (Trường Đại học An Giang) cho rằng, thế giới đang chuyển hướng mạnh từ nền kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn (Circular Economy). Đó là nền kinh tế dựa trên nguyên lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu thô đưa vào hệ thống kinh tế, trải qua quá trình sản xuất và tiêu dùng, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi quay trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng chất thải là đầu vào của hệ thống kinh tế.
Mô hình nông nghiệp thông minh cho tỉnh An Giang và ĐBSCL
Theo TS Đoàn Thanh Nghị, đối với ĐBSCL, nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ lực, tạo số lượng lớn việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Dù quá trình cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh nhưng mức độ ứng dụng máy nông nghiệp vẫn còn thấp. Hiện nay, thất thoát sau thu hoạch lúa vẫn còn ở mức 13 - 14% về số lượng và hơn 12% về giá trị. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đang phải đối mặt trực tiếp và chịu nhiều thiệt hại từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như: Nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan...
Tín hiệu mừng là những năm qua, chính sách về gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch thu hút hơn 16.800 doanh nghiệp (DN) cả nước tham gia với khoản đầu tư hơn 39.000 tỷ đồng.
Việc hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao cùng sự tham gia của nhiều DN đang giúp Việt Nam phát triển bước tiếp theo là xây dựng nền nông nghiệp thông minh với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới.
Nhân chuyến làm việc của đoàn công tác Chính phủ giữa tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo hỗ trợ tỉnh xây dựng đề án và vận hành trung tâm đầu mối ở An Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022.
Theo TS Đoàn Thanh Nghị, hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh ở ĐBSCL cũng đã được triển khai, như: Tưới nước thông minh, tự động bằng cảm biến được áp dụng ở TP. Cần Thơ, tỉnh Bến Tre; làm phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser được áp dụng tại tỉnh Long An, An Giang, Bạc Liêu; mô hình luân canh lúa - tôm vùng ven biển được thực hiện ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ được thực hiện tại TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu…
Tại tỉnh An Giang, tỷ lệ các DN ứng dụng công nghệ đang ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh đã có trên 10 DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, điển hình, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nam Việt, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ An Giang, Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang, Trang trại rau, củ, quả an toàn DH huyện An Phú, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Phan Nam… Số DN tham gia sàn thương mại điện tử (Voso.vn) ngày một tăng, trong đó có trên 50 DN tại tỉnh An Giang tham gia với hơn 200 sản phẩm được giao dịch trực tuyến…
Đây là cơ sở để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình nông nghiệp thông minh (hệ thống tập trung vào việc cung cấp cho ngành nông nghiệp một kết cấu hạ tầng tốt để tận dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT) - để theo dõi, giám sát, tự động hóa và phân tích các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp.
Một số mô hình nông nghiệp thông minh do các nhà nghiên cứu, chuyên gia từ Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), các đối tác công ty phần mềm trong và ngoài nước phát triển, có thể ứng dụng tại ĐBSCL, như: Mạng cảm biến không dây trong nông nghiệp; hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm dịch hại cây trồng; hệ thống quản lý trang trại giống thông minh; hệ thống liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
|
HOÀNG XUÂN