An Giang chuyển đổi số trong nông nghiệp

04/08/2023 - 05:14

 - Chuyển đổi là xu thế tất yếu để nông nghiệp phát triển trong thời đại công nghệ 4.0. Đây là cơ hội để tỉnh An Giang bứt phá, vươn lên, nếu không muốn “lỡ nhịp”.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, tỉnh tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, tạo chuyển biến rõ nét từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối, đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, giúp giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp tự động hóa giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ cho biết: “Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh có hơn 710 mô hình mới hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông thôn được triển khai. Các mô hình thực hiện trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số có hiệu quả của nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp.

Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật) để giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động. Đồng thời, triển khai phần mềm “Bác sĩ cây trồng” do công ty phát triển. Phần mềm cài trên thiết bị di động, hỗ trợ hình ảnh triệu chứng dịch hại, giúp nông dân xác định đúng dịch hại, đưa ra giải pháp quản lý phù hợp từng trường hợp.

Các trang trại lớn trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động; hệ thống cào, thu gom phân gia súc, gia cầm tự động. Tất cả tích hợp vào điện thoại thông minh hoặc máy vi tính để điều khiển từ xa; giúp gia súc, gia cầm phát triển nhanh, ít bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả chăn nuôi. Nhà chim yến được quản lý, theo dõi, giám sát bằng camera, phun sương làm mát điều khiển từ xa, giám sát được số lượng chim yến, động vật gây hại mà không cần trực tiếp vào nhà nuôi, không gây ảnh hưởng, xáo trộn đàn chim yến.

Lĩnh vực thủy sản, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số, như: Đo lường tự động hệ thống thiết bị thu mẫu tự động hoàn toàn; quan trắc môi trường ao nuôi tự động; xử lý nước đầu vào tự động; chíp điện tử định danh cá. Bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế; hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, tăng năng suất; thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tỉnh đã hỗ trợ 5 HTX xây dựng mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ thành viên học tập trực tuyến, tiếp cận thông tin thị trường, giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng 4 mô hình ghi chép nhật ký sản xuất điện tử và truy xuất nguồn gốc sản xuất tại 4 HTX.

Từ tháng 6/2020 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp VNPT An Giang ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp VNPT, Viettel An Giang hợp tác chuyển đổi số, xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; dự báo tình hình thị trường nông sản, giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn.

TS Đoàn Ngọc Phả (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh) cho biết: “Sau 7 năm thực hiện, dự án hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển đề ra; giúp thay đổi hành vi sản xuất lúa của nông dân trong vùng dự án, chuyển đổi từ trồng lúa theo kiểu truyền thống sang áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác bền vững “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, có thể đưa vào ứng dụng Internet vạn vật (IoT) cho tưới “Ướt khô xen kẽ”, trong kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, dùng cảm biến và Blockchain trong quản lý chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ sản phẩm”.

TS Đào Thanh Hoàng (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang) đề xuất, để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX cần thực hiện đồng bộ giải pháp về xây dựng và phát triển nền tảng; phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số; phát triển kinh tế số, đẩy mạnh kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng trực tuyến; phát triển nông dân số, nông thôn số... để hiện thực hóa mục tiêu “người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, chi phí thấp nhất, bán giá cao nhất”.

Việc chuyển đổi số nông nghiệp là xu thế tất yếu, cấp bách. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến trình, tăng cao hiệu quả trước mắt và lâu dài, nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

THIÊN THANH

 

Liên kết hữu ích