An Giang đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phù hợp trong thời gian tới

22/10/2021 - 12:08

 - Sáng 22-10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp trong thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy An Giang

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lê Văn Nưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có PGS.TS Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước cho biết, tính đến chiều 21-10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận tổng số 8.531 trường hợp nhiễm COVID-19; lũy kế đến nay có 6.448 trường hợp đã điều trị khỏi. Các địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao gồm: An Phú, Phú Tân, Tân Châu, Chợ Mới, phần lớn số ca nhiễm xuất phát từ các tài xế vận chuyển hàng hóa và người về từ vùng dịch.

Đến nay, An Giang đã tiếp nhận khoảng 65.000 người dân từ các tỉnh, thành phố về địa phương, đã ghi nhận 929 trường hợp nhiễm COVID-19 (chiếm tỷ lệ 1,5% trong tổng số người về). Toàn tỉnh hiện còn quản lý 9.400 người đang thực hiện cách ly tập trung và khoảng 11.000 đang thực hiện cách ly tại nhà. Tỉnh đã tiếp nhận tổng số 997.000 liều vaccine, đã tiêm 938.000 liều (đạt tỷ lệ trên 94% lượng vaccine tiếp nhận).

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn tỉnh đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ cho 219.838 người, 1.633 doanh nghiệp, 583 hộ kinh doanh, tổng số tiền trên 266 tỷ. Đã tiếp nhận và phân bổ tổng số trên 3.362 tấn gạo cho 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thực hiện các mô hình: “Cửa hàng 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”…  tại 190 địa điểm ở các xã, phường, thị trấn để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho trên 449.000 lượt hộ dân, với giá trị trên 46 tỷ đồng. Ngoài ra, đã hỗ trợ dụng cụ, vật tư y tế cho trên 192.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình tại nơi phong tỏa, với tổng số tiền trên 108 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của tất cả lực lượng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, phường, xã, khóm, ấp và tổ dân phố trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang, đến nay Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Tại An Giang, trong đợt dịch thứ 4 này dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm dự báo, nhận định đúng tình hình dịch bệnh sẽ xâm nhập từ tuyến biên giới và ngoài tỉnh. Từ đó, chủ động đề ra nhiều chủ trương và biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, kịp thời, đồng bộ, do đó đến nay dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế cần khắc phục, như: việc chỉ huy điều hành phòng, chống dịch ở một số huyện còn lúng túng, bị động; các biện pháp phong tỏa, cách ly có lúc chưa hợp lý. Công tác tiêm vaccine ở một số nơi tổ chức chưa thật sự khoa học dẫn đến tình trạng còn tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; công tác kiểm tra giám sát ở một số địa phương chưa thường xuyên…

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cho biết, dự báo thời gian tới, trên phạm vi cả nước, cũng như trong tỉnh mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Phải dự báo chính xác tình hình, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Phải kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn, điều chỉnh tiêu chí phân loại phù hợp với diễn biến tình hình dịch, độ bao phủ vaccine và điều kiện thực tiễn. Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế thích nghi an toàn với đại dịch trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ phải dựa trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại từng thời điểm, từng địa phương.

Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, kể cả tiêm vaccine cho đối tượng trong khu phong tỏa, khu cách ly nếu xét nghiệm âm tính.  Rà soát và chuẩn bị đầy đủ năng lực điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên. Tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực y tế cho tuyến huyện, xã; rà soát, chuẩn bị cho kịch bản phòng, chống dịch để ứng phó ở cấp độ cao hơn.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà, khu phong tỏa; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ COVID-19 cộng đồng. Tăng cường truyền thông về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, đầy đủ, giúp cho người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Song song đó, phải kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Đặc biệt, phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người mất việc làm, không có thu nhập, người gặp khó khăn do đại dịch….

MỸ LINH – DUY ANH