An Giang đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại

25/07/2022 - 04:00

 - Để An Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch (DL) ở ĐBSCL, năm 2022, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng DL. Qua đó, nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh DL sẵn có, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm DL, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ DL...

Triển khai nhiều dự án trọng điểm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu “giữ chân du khách”, ngành DL An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách. Riêng năm 2025, đạt 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Tổng doanh thu từ DL đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Có thêm ít nhất 1 khu DL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

Xác định tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với sự phát triển ngành DL, năm 2022, An Giang tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng DL của tỉnh. Theo đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thông tin; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng DL và mời gọi đầu tư; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển DL; đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh; phát triển nguồn nhân lực ngành DL; tăng cường xúc tiến thương mại, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển DL An Giang.

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Thanh Hùng

Về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết các huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển DL. Về đường bộ, triển khai thực hiện các dự án công trình giao thông trọng điểm do Trung ương đầu tư, như: Dự án tuyến tránh TP. Long Xuyên; nâng cấp tải trọng 4 cầu yếu trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn đi qua tỉnh An Giang; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Đồng thời, triển khai 25 dự  án mới giai đoạn 2021-2025 (vốn ngân sách tỉnh), như: Nâng cấp đường tỉnh 949; đường Đông Rạch Giá - Long Xuyên; nâng cấp, mở rộng tuyến đường vòng 3 xã Cù Lao Giêng; nâng cấp, mở rộng đường vào Khu di tích đặc biệt Óc Eo - Ba Thê thuộc đường tỉnh 943 (đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn); dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) (ĐT.945)…

Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng DL và mời gọi đầu tư. Theo đó, rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm, bố trí nguồn vốn phát triển hạ tầng DL; tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DL tỉnh theo Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND. Đồng thời, hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để đưa các dự án đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đi vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các công trình hạ tầng tại Khu DL Núi Cấm, Khu DL Hồ Soài So, Trung tâm Hội nghị TP. Châu Đốc, cổng chào Khu DL quốc gia Núi Sam, xây dựng bến tàu DL Châu Đốc nhằm phát triển các sản phẩm DL mới, đa dạng. Phát triển hạ tầng DL đường sông trên sông Tiền, sông Hậu và các tuyến kênh Vĩnh Tế, Châu Đốc - Hà Tiên, kênh Long Xuyên, Long Xuyên - Rạch Giá; phát huy lợi thế DL tại vùng Bảy Núi.

Hướng đến du lịch hiện đại, an toàn

Song song đó, tỉnh phát triển hạ tầng thông tin; tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển hệ thống cáp và trạm phát sóng BTS, nâng cao chất lượng phục vụ khách DL. Thực hiện cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0; triển khai tốt, hiệu quả đề án “An Giang điện tử” nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trong đề án xây dựng: Chính quyền số, DL thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh… Triển khai mạng 5G ở các khu vực trọng điểm, phủ sóng wifi công cộng tại các khu, điểm DL, bến xe, trung tâm mua sắm... trên địa bàn tỉnh theo phương thức xã hội hóa.

Tăng cường áp dụng các công nghệ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành DL để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách. Vận hành thử nghiệm hệ thống DL thông minh; đẩy mạnh ứng dụng thực tế ảo vào quảng bá di tích, danh lam thắng cảnh An Giang. Đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử, thương mại điện tử cho các DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là DN DL. Xây dựng cơ sở dữ liệu chính thống về quảng bá DL An Giang kết hợp hệ thống DL thông minh, tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, thuyết minh, quảng bá DL An Giang. Triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh, tạo điều kiện cho người dân và DN giám sát môi trường, những bất cập về môi trường, hướng đến DL xanh, sạch.

Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển DL. Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều kênh thông tin, nhất là trên các kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, có sức hấp dẫn, thuyết phục du khách quốc tế. Chủ động liên kết, phối hợp các DN DL, Hiệp hội DL trong và ngoài tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến quảng bá DL An Giang đến các thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, TP. Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh... Chủ động tham gia các sự kiện quảng bá hình ảnh DL An Giang tại các sự kiện lớn trong nước; tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm DL mới của An Giang thông qua các chương trình đón đoàn các DN lữ hành, các cơ quan báo chí.

Tăng cường quản lý an ninh trật tự tại các khu, điểm DL; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các DN DL hoạt động chưa đúng các quy định về an ninh trật tự. Kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh các đối tượng có hành vi chèn ép, đeo bám, lừa đảo… du khách. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tại các DN, khu, điểm DL để nâng cao ý thức, trách nhiệm của DN, người dân trong việc cải thiện môi trường DL...

Việc nâng cấp đồng bộ và phát triển hạ tầng DL nhằm tạo động lực cho ngành DL của tỉnh tiếp tục phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Qua đó, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa - lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành DL An Giang.

MINH THƯ