An Giang đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng

26/07/2021 - 06:39

 - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cả nước nói chung và An Giang nói riêng, việc thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng đẩy mạnh đầu tư công được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần kích cầu tiêu dùng, giải quyết việc làm, phục hồi đà tăng trưởng…

Động lực tăng trưởng

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung của cả nước. Song, với sự điều hành quyết liệt cùng các giải pháp hữu hiệu của Chính phủ, tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 đạt 2,91%. Đây là một trong những mức tăng trưởng cao trên thế giới và là thành công lớn trong quá trình điều hành nền kinh tế của Đảng và nhà nước.

Theo đó, 5 động lực quan trọng đã góp phần trong việc tạo đà cho phục hồi nền kinh tế và phát triển thời gian qua, gồm: phục hồi sức mua của thị trường trong nước, hưởng lợi từ đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, nối lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và ổn định vĩ mô.

Như vậy, trong 5 động lực được xác định để tạo đà tăng trưởng thời gian qua và những năm tiếp theo, thì đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng. Muốn vậy, phải thúc đẩy lĩnh vực này phát triển trên bình diện chung của cả nước cũng như của tỉnh, trong đó công tác giải ngân vốn phải kịp thời, kịp lúc và đạt tiến độ đề ra.

“Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai vốn. Nhận thức được điều này, nên ngay từ đầu năm 2021, tỉnh xác định đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đặt mục tiêu cao nhất để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, HĐND tỉnh giao…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định.

Giải pháp năm 2021

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Chí Trung cho biết, đẩy mạnh đầu tư công được xem là động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt được kỳ vọng đề ra. Theo đó, năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 5.040 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 1.508 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 3.532 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 53 chủ đầu tư sử dụng kế hoạch vốn năm 2021 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang năm 2021). Tính đến hết tháng 5-2021, có 17 chủ đầu tư giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh (16,07%), gồm: 11 sở, ban, ngành và 6 huyện, thị xã, thành phố; có 36 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh (16,07%), gồm: 31 sở, ban, ngành và 5 huyện, thị xã, thành phố.

Đẩy mạnh đầu tư công, giải pháp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng

Từ kết quả này, trong những tháng còn lại của năm 2021, các chủ đầu tư có sử dụng vốn từ ngân sách phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ những điểm nghẽn để dòng vốn đầu tư công được đầu tư vào các công trình trọng điểm nhanh nhất, đạt và kịp tiến độ đề ra. “Chúng tôi xác định, việc chỉ đạo, đẩy nhanh thi công các công trình có sử dụng vốn từ ngân sách là nhiệm vụ quan trọng tại địa phương. Từ đó, UBND TX. Tân Châu thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác này, đề ra nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư công nhằm đạt tiến độ đề ra” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ chia sẻ.

Tân Châu là một trong 7 địa phương có tiến độ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh. Hiện nay, thị xã đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2020 sang 2021 và các thuộc danh mục vốn đầu tư năm 2021. Cụ thể, các công trình, như: Nhà thi đấu thể thao TX. Tân Châu; Nhà thiếu nhi; Thư viện TX. Tân Châu; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án cầu Tân An và các công trình đầu tư cho nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn.

Công trình cầu Tân An (TX. Tân Châu) đưa vào hoạt động đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, kết nối đưa hàng hóa từ nội địa ra biên giới nhanh hơn 

Đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng là một trong những giải pháp quan trọng để tạo động lực phát triển. Song thực tế những năm gần đây cho thấy, còn có nhiều vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân vốn cho các công trình được thực hiện chậm, như: công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, các vướng mắc liên quan đến đất đai...

Từ thực tế này, theo định hướng của UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm sẽ đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm khắc phục hiệu quả việc giải ngân, thi công các công trình đạt tiến độ đề ra. Các giải pháp, gồm: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn…

Hy vọng với những giải pháp cụ thể, các công trình có sử dụng vốn từ ngân sách sẽ được hoàn thành đúng tiến độ đề ra, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy tiêu dùng, tạo đà cho tăng trưởng.

“Các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh phải xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021. Từ đó, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ các rào cản, vướng mắc kịp thời để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.


Bài, ảnh: MINH HIỂN