An Giang đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

04/08/2022 - 07:46

 - Thời gian qua, đặc biệt là năm 2021, An Giang đã quán triệt, triển khai đồng bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân làm căn cước công dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: HẠNH CHÂU

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Nhằm tiếp tục giải quyết TTHC trên môi trường điện tử hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 403/QĐ-UBND kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC; Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu phải gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại bộ phận "một cửa" để tạo cơ sở hình thành dữ liệu “sống, sạch, đủ và chính xác”.

Để tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1241/QĐ-UBND phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện; Quyết định 1242/QĐ-UBND phê duyệt và công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc triển khai đánh giá, xếp hạng được thực hiện qua phần mềm ứng dụng tại địa chỉ: chisocchc.angiang.gov.vn.

Với sự quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng và chính quyền, đã có 100% TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật kịp thời trên hệ thống "một cửa" điện tử của tỉnh; công bố công khai, minh bạch trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát. Đến nay, có gần 1.400 TTHC của 17 sở, ban, ngành được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chiếm tỷ lệ hơn 95% thủ tục cấp tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đưa 27 TTHC của các cơ quan ngành dọc (Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh) và 17 thủ tục của Công ty Điện lực An Giang, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang vào thực hiện. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin "một cửa điện tử" tỉnh rà soát và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tiếp nhận và thực hiện hiệu quả việc trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin "một cửa điện tử" của tỉnh đã rà soát và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp giao diện cho thiết bị di động để tạo thuận lợi cho người dân, DN giải quyết hồ sơ TTHC. Công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ giải đáp thắc mắc của người dân, DN tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn/dichvucong/hoidap; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua kênh tương tác zalo, liên hệ trực tiếp. Từ tháng 8/2021, đã triển khai hệ thống trả lời tự động (Chatbot) cho người dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh nhằm giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến các TTHC và dịch vụ công tỉnh đang cung cấp.

100% hồ sơ tiếp nhận (kể cả hồ sơ tiếp nhận bên ngoài trụ sở) được cập nhật vào Hệ thống thông tin "một cửa điện tử" của tỉnh; thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh, đồng bộ, tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, đã tích hợp 808 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với hoạt động chuyển đổi số, đô thị thông minh, UBND tỉnh đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường giải pháp

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử của tỉnh, cần tiếp tục quán triệt, triển khai kịp thời, thống nhất Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện chất lượng dịch vụ công, hạn chế tiêu cực, phiền hà, giảm tối đa thời gian, chi phí của người dân và DN khi giải quyết TTHC; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.

Triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; cần có các quy định rõ ràng về nguyên tắc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Tuyên truyền chính sách, pháp luật về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; hướng dẫn các tổ chức, DN, nhân dân tiếp nhận, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; tuyên truyền những điển hình tiên tiến, các sáng kiến, cách làm hay, phản ánh những hạn chế trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

            TRƯƠNG LONG HỒ (Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang)