An Giang đẩy mạnh triệt xóa các đường dây buôn lậu

08/11/2021 - 06:23

 - Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) tỉnh An Giang và các địa phương từng bước đưa hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng thực chất; đẩy mạnh triệt xóa các đường dây buôn lậu lớn trên địa bàn và tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, xây dựng lực lượng…

Lực lượng biên phòng  bắt giữ thuốc lá nhập lậu

Đẩy mạnh triệt xóa

Để triệt xóa các đường dây buôn lậu lớn trên địa bàn, từng bước đưa hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đi vào chiều sâu, trong năm 2020, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 64/KHLN, ngày 4-9-2020 về phối hợp giữa các lực lượng: công an, bộ đội biên phòng, quân sự, hải quan, quản lý thị trường, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Từ kế hoạch này, lực lượng liên ngành thành lập 10 tổ công tác, triển khai lên biên giới để chốt chặn, khép kín địa bàn, lên phương án đấu tranh, triệt xóa. Lực lượng này được bố trí dọc theo 96km đường biên giới tiếp giáp giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, đi qua các địa phương: TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Ngay khi tiếp cận địa bàn biên giới, lực lượng liên ngành đã xác định được địa bàn trọng điểm (từ đường bộ đến đường thủy), xác định các đối tượng buôn lậu để có giải pháp đấu tranh, triệt xóa. Các lực lượng đã phối hợp điều tra các băng, nhóm buôn lậu trong và ngoài khu vực đóng quân. Điều nghiên quy luật, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu trong việc đưa hàng qua biên giới.

Ngoài chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng liên ngành còn làm nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu trong thời điểm hiện nay là phòng, chống dịch COVID-19, chống người vượt biên, các loại tội phạm xâm nhập trái phép qua biên giới.

“Qua theo dõi báo chí, lực lượng chức năng (công an, biên phòng, quản lý thị trường, hải quan) bắt được rất nhiều vụ buôn lậu. Từ buôn lậu thuốc lá đến mặt hàng thuốc tây tân dược, thuốc bảo vệ thực vật (không rõ nguồn gốc xuất xứ)… tất cả được ngành chức năng nhanh chóng phanh phui, điều tra làm rõ. Các mặt hàng thuốc lá qua biên giới bây giờ rất khó khăn, vì vậy 1 gói thuốc nhập lậu trong thị trường nội địa có giá rất cao, tìm mua không phải dễ” - ông Trần Văn Nam (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Tăng cường bảo vệ nội bộ

Ngay sau khi đưa lực lượng liên ngành lên tuyến biên giới, lực lượng này đã nhanh chóng triệt phá nhiều vụ án, lập nhiều chiến công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, trong đó có thể kể đến việc triệt phá đường dây buôn lậu lớn do “trùm buôn lậu” Mười Tường (tên thật Nguyễn Thị Kim Hạnh, sinh năm 1969, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) cầm đầu. Đây là đường dây buôn lậu có quy mô lớn, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng tham gia. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này rất tinh vi. Song, dù chúng có tinh vi đến đâu vẫn phải “sa lưới” pháp luật.

Mở màn cho việc bóc gỡ đường dây buôn lậu này là việc bắt giữ 51kg vàng 9999 trưa 30-10-2020. Ngay tại hiện trường, công an đã bắt giữ một nhóm người đang vận chuyển trái phép 51kg vàng 9999 từ biên giới Campuchia vào khu vực khóm Vĩnh Chánh 1 (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc). Mở rộng điều tra vụ án, đến ngày 10-7-2021 (sau hơn 8 tháng lẩn trốn), công an bắt được bà Mười Tường và toàn bộ đàn em, thu giữ thêm 36kg vàng và 1,27 triệu USD… Chiến công nối tiếp chiến công, từ đó hoạt động buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

Đưa hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn từng bước đi vào chiều sâu, hàng năm, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã làm công tác tham mưu để Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, ban hành chương trình công tác. các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nội dung được phân công tại chương trình công tác, tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức triển khai thực hiện.

“Với cách làm này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương, các sở, ngành có liên quan từng bước đưa hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từng bước đi vào chiều sâu, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác này…” - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải nhận định.

Trong công tác bảo vệ nội bộ, xây dựng lực lượng, bên cạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, sở, ngành đã có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, không đáp ứng yêu cầu công tác… Chính cách làm này, đã bảo vệ được cán bộ làm nhiệm vụ, từ đó hạn chế việc tiếp tay cho buôn lậu.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh triệt xóa các đường dây buôn lậu lớn trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương còn quan tâm, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ để có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị cám dỗ, mua chuộc, sa ngã. Thủ trưởng các sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 địa phương quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu… nên buôn lậu đã được hạn chế” - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN