An Giang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

19/07/2022 - 07:08

 - Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn so cùng kỳ (đạt 23,02%, cùng kỳ năm 2021 đạt 15,23%) nhưng vẫn còn thấp so yêu cầu đề ra. Để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang Phạm Minh Tâm, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được giao của tỉnh năm 2022 trên 6.430 tỷ đồng, gồm: Kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý được kéo dài sang năm 2022 gần 1.162 tỷ đồng (chưa kể kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 chuyển sang năm 2022 trên 18,36 tỷ đồng); kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 5.267 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 1.768 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 3.499 tỷ đồng).

Ước giải ngân đến hết tháng 6/2022 là 1.480 tỷ đồng, đạt 23,02% kế hoạch vốn, cao hơn 7,79% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2021 giải ngân được 290 tỷ đồng, đạt 24,94%; kế hoạch đầu tư công năm 2022 giải ngân được 1.190 tỷ đồng, đạt 22,59%.

Cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án

Ông Phạm Minh Tâm cho biết, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 (tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 15,23%), nhưng nhìn chung thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm 2019 và năm 2020 (cùng kỳ năm 2019 là 37,65%, năm 2020 là 30,8%) và đạt thấp so yêu cầu. Trong số các nguyên nhân, có nguyên nhân từ việc nhiều dự án còn chậm thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án hoặc điều chỉnh dự án. Đến nay, vẫn còn 17 dự án chưa có phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; một số dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng chưa tổ chức đấu thầu…

Thực tế thời gian qua, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng, điển hình, như: Dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang); dự án kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu; kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP. Long Xuyên; tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (huyện An Phú), thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL - WB9; dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 949 (huyện Tịnh Biên và Tri Tôn)…

Trong khi đó, còn một số dự án chưa đẩy nhanh tiến độ thi công, như: Trường Tiểu học "A" Hòa Bình Thạnh (điểm phụ); Trường Tiểu học "A" Hòa Bình (điểm phụ); Trường Mẫu giáo Mỹ Hội Đông (điểm phụ); dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; dự án nâng cấp và bổ sung trang thiết bị quan trắc và phân tích môi trường tỉnh An Giang

Nỗ lực, khẩn trương

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Minh Tâm cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thời gian còn lại của năm 2022, Sở KH&ĐT tiếp tục phối hợp các sở, ngành và chủ đầu tư tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Đối với các chủ đầu tư, cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu các đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là tiêu chí xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Các chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết với Đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm năm 2022; phân công cụ thể cán bộ phụ trách, có kế hoạch chi tiết từng giai đoạn thực hiện dự án và giải ngân vốn, đặc biệt là các dự án lớn để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện.

Cụ thể, đối với các dự án chuyển tiếp, cần làm việc cụ thể với nhà thầu, đồng thời có bản cam kết tiến độ và giám sát chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Đối với các dự án mới đã có kết quả lựa chọn nhà thầu, tiến hành khẩn trương giao thầu để triển khai thi công thực hiện dự án, cần lưu ý phải có bản cam kết với nhà thầu về tiến độ thi công.

Đối với các chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hồ sơ thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cần khẩn trương thực hiện, hoàn thành đấu thầu và giao thầu trong thời gian sớm nhất. Đối với các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua và Tổ công tác xử lý khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh (do Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng) nhằm tập trung tháo gỡ, xử lý, nếu vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Ông Phạm Minh Tâm đề nghị, các dự án nào đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì khẩn trương triển khai thực hiện thi công ngay. Chậm nhất đến ngày 30/7/2022, các dự án còn khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được giải quyết để có mặt bằng triển khai thi công.

Chủ đầu tư cần làm việc và có biên bản với nhà thầu, đề nghị nhà thầu cam kết về tiến độ cũng như đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư... để hoàn thành gói thầu; trường hợp nếu có khó khăn, kịp thời báo cáo ngay Sở KH&ĐT, ngành chuyên môn (có thể qua điện thoại) để hỗ trợ giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.


NGÔ CHUẨN