Theo đó, sẽ thực hiện 700 phiếu khảo sát đối với 17 sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thị xã, thành phố, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023. Các tiêu chí khảo sát phù hợp với yêu cầu CCHC của tỉnh. Kết quả đo lường sự hài lòng được công bố công khai, rộng rãi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, mục tiêu nhằm xác định được kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023. Huy động sự tham gia của người dân đánh giá hiệu quả hoạt động CCHC Nhà nước và đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, nắm được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để các ngành, các cấp có những biện pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, xã hội.
Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính Nhà nước
Do đó, việc thực hiện đo lường sự hài lòng phải đảm bảo tính khoa học, thống nhất, khả thi. Kết quả đo lường sự hài lòng phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, đại diện; giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định được những tồn tại, hạn chế trong cung ứng dịch vụ hành chính công để có giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ; nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
UBND tỉnh An Giang giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ Sở Nội vụ trong triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính trong phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.
Thông tin, tuyên truyền việc triển khai, ý nghĩa, mục đích của việc khảo sát, đo lường sự hài lòng hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, để hưởng ứng tham gia khi được chọn khảo sát. Sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng của cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về cung ứng dịch vụ công. Từ đó, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong những năm tiếp theo.
Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và tỉnh về CCHC. Tiếp tục chủ động thực hiện tốt kế hoạch CCHC của tỉnh; tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC và chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công vụ.
Sở Nội vụ tiếp tục triển khai Đề án xác định Chỉ số CCHC và đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Tham mưu UBND tỉnh An Giang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp sở, ngành và UBND cấp huyện triển khai, hoàn thành tốt các nội dung của lĩnh vực “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Sở Nội vụ đã thành lập các tổ công tác, trực tiếp xuống xã, phường, thị trấn… để kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức khi thực hiện thủ tục hành chính. Các ngành phối hợp triển khai đồng bộ giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu về thu hút đầu tư; hồ sơ tiếp nhận được giải quyết đúng hạn...
Để Chỉ số SIPAS của tỉnh bền vững, thực sự mang lại kết quả, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước còn rất nhiều việc phải tiếp tục triển khai. Lãnh đạo các cấp cần tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC, trong chỉ đạo, điều hành, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Từng ngành, từng địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến CCHC trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng người dân, doanh nghiệp.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần thường xuyên nghiên cứu, học tập, nâng cao nhận thức về quy chuẩn chất lượng đối với công chức trong thực thi công vụ, phục vụ người dân theo yêu cầu CCHC; phải xây dựng kỹ năng, văn hóa, đạo đức công vụ trong phục vụ người dân, theo hướng lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
HẠNH CHÂU