An Giang đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

18/01/2024 - 05:23

 - Năm 2023, tình hình hoạt động, sản xuất - kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được tập trung thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần đem lại đời sống ổn định, thị trường phát triển cho người dân và DN. Các ban, ngành cấp tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời để DN duy trì hoạt động ổn định và hài hòa môi trường lao động.

Tại Khu Công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), ngành may mặc gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi công ty đều có nỗ lực, chiến lược để cải thiện tình hình những tháng cuối năm. Giám đốc Công ty TNHH Universal Apparel Liu Wenyang cho biết, lao động trực tiếp sản xuất tại công ty có hơn 2.200 người, trong đó hơn 1.700 lao động nữ. Tất cả được ký kết hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm. Mức lương cao nhất của lao động hiện nay là 15 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 5,3 triệu đồng/người/tháng. Định kỳ 2 lần/năm, công ty tổ chức đối thoại với người lao động (NLĐ), ngoài ra còn đối thoại đột xuất những việc cần thiết để có sự đồng thuận, thống nhất.

Trải qua 1 năm nhiều biến động, công ty vẫn duy trì phần thưởng cho NLĐ dịp cuối năm. Từ tháng 12/2023, đơn hàng ổn định hơn và đang tuyển thêm lao động. “Thời gian qua, bất cứ gặp khó khăn nào, chúng tôi luôn được các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ tích cực. Mong rằng các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ công ty trong thời gian tới về tuyển dụng lao động. Hình thức của đơn vị hiện nay chủ yếu qua Facebook, Zalo và khuyến khích công nhân trong chuyền may giới thiệu người nhà, cùng quê… Nếu được thông tin rộng rãi, công ty sẽ có đủ nguồn lao động kịp thời để mở rộng thêm dự án phát triển năm 2024” - bà Liu Wenyang bày tỏ.

Các ngành chức năng tỉnh thăm xưởng sản xuất của doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Bình Hòa

Sau thời gian ảnh hưởng do thiếu hụt và cắt giảm đơn hàng, Công ty TNHH An Giang Samho đã hoạt động khả quan hơn, chăm lo NLĐ ổn định. Đặc biệt, xưởng sản xuất đế đang hoạt động 50% công suất, sang năm 2024 tăng dần công suất lên 100%, nhà máy xưởng E hoạt động trở lại có kế hoạch dài hạn 5 năm để tăng sản xuất gia công.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Giang Samho Kang Kyoungsob cho hay, khi thành lập công ty tại An Giang, ông là thế hệ quản lý đầu tiên. Sau thời gian chuyển công tác, nay ông quay trở lại với vai trò tập trung chiến lược sản xuất cho An Giang Samho và rất quyết tâm để cùng tập thể lãnh đạo, quản lý tạo dựng hình ảnh và thương hiệu thân thiện của DN.

Ông phấn khởi cho hay, với số lượng hơn 6.000 lao động, công ty nhận được tỷ lệ đơn hàng 105% so các đơn hàng khác. Trong đó, có sự hỗ trợ thủ tục liên quan của ngành chức năng trên địa bàn tỉnh để công ty từng bước mở rộng. Theo tình hình năm 2024, công ty sẽ tăng sản xuất từng bước, thuê thêm khoảng 1.000 NLĐ.

Đến nay, Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre giảm 10 chuyền may và sẽ giữ ổn định số lượng lao động. Đại diện công ty cho biết, tình hình chung đều gặp vấn đề như các DN khác, kỳ vọng thời gian tới tình hình tiến triển khá hơn. Hiện nay, công ty đang có đơn hàng sản xuất đến tháng 7/2024.

Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trong khu công nghiệp rất đảm bảo. Một số sự vụ nhà máy làm việc với NLĐ và nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Dù gặp khó, mức lương của NLĐ đang làm việc tại công ty luôn cao hơn mức tối thiểu vùng. Theo quy định mới, năm 2024 tiếp tục tăng mức lương tối thiểu vùng, DN cam kết tính toán cân bằng để lương của NLĐ vẫn sẽ cao hơn mức quy định.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly, năm 2023 là năm DN chịu ảnh hưởng rất nhiều mặt bởi những biến động trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, so tình hình chung, DN tỉnh vẫn ít khó khăn hơn và rất nỗ lực để duy trì sản xuất. Các DN nói chung và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

“Chính quyền, ngành chức năng tỉnh luôn đồng hành cùng các DN. Do đó, thời gian tới, luôn hoan nghênh các DN tăng cường kết nối, trao đổi, liên hệ khi có những vấn đề cần hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động” - ông Châu Văn Ly khẳng định.

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cũng theo dõi, bám sát hoạt động của các DN. Ghi nhận tích cực là các DN duy trì SXKD và tranh thủ tìm được nguồn hàng mới. Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Hồng Quang thông tin, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành tháo gỡ những khó khăn, thì DN luôn nỗ lực để cải thiện tình hình, xoay chuyển tình thế. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh luôn đồng hành để các dự án mới của DN thực hiện đúng tiến độ và thành công như kế hoạch. Qua làm việc với các DN, ngành chức năng ghi nhận những đề xuất, nhất là hỗ trợ tuyển dụng lao động trong năm mới và góp phần giúp DN giữ môi trường lao động hài hòa.

MỸ HẠNH