An Giang: Dựa vào dân để chống buôn lậu

23/12/2022 - 03:55

 - Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang và các địa phương xác định, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn là việc làm thường xuyên, lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn.

Dân là gốc

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các lực lượng chức năng (công an, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường) vận dụng tư tưởng “Dân là gốc” vào hoạt động; xác định nhân dân trên địa bàn biên giới, nội địa đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự tham gia, giúp đỡ của nhân dân trong tố giác, chỉ điểm đối tượng, băng nhóm buôn lậu là nhân tố quan trọng, quyết định hiệu quả công tác này.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định, thực tiễn thời gian qua cho thấy, nếu không có sự tham gia phối hợp, giúp đỡ của nhân dân trên địa bàn, các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối tượng buôn lậu thuốc lá bị bắt giữ, truy tố

Bởi ngày nay, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả rất tinh vi, phức tạp. Muốn chống buôn lậu thành công, lực lượng làm nhiệm vụ phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Dựa vào dân để bà con cung cấp kịp thời thông tin giá trị, tố giác hành vi vi phạm, giám sát hoạt động thương mại trên địa bàn, hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Từ đó, tạo mạng lưới rộng khắp, giúp công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý địa bàn, quản lý thị trường nói riêng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường sản xuất - kinh doanh lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự.

Hơn 3 năm qua, hàng loạt vụ việc buôn lậu vàng, đô-la, đường cát Thái Lan, cùng các mặt hàng có giá trị (qua biên giới) đã được phát hiện. Lực lượng chức năng đưa hàng loạt đối tượng buôn lậu ra ánh sáng pháp luật. Ngoài Tỷ đường, Mười Tường, Trần Trí Mãnh, hàng chục đối tượng buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu đã ra hầu tòa. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cơ bản được kiềm chế, kiểm soát.

Buôn lậu vẫn còn

Đại diện các lực lượng chức năng cho biết, đối tượng buôn lậu không dám manh động như trước. Song, tình hình thẩm lậu hàng hóa qua biên giới vẫn còn tiếp diễn. Hàng hóa (không hóa đơn, chứng từ) chuyển từ nơi khác đến An Giang vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trước thực tế này, ngoài số lượng hàng hóa do hải quan, biên phòng, quản lý thị trường bắt giữ, lực lượng công an đã bắt giữ 314 vụ, liên quan 282 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa khoảng 35 tỷ đồng; khởi tố 6 vụ với 11 bị can.

Riêng số hàng hóa chuyển từ địa phương khác đến An Giang tiêu thụ, lực lượng công an đã bắt giữ được (từ nội địa đến biên giới) 93 vụ với 93 đối tượng, trị giá hàng hóa 20,6 tỷ đồng. Riêng đối với hàng hóa nhập lậu, công an đã bắt 221 vụ, liên quan đến 190 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa khoảng 15,3 tỷ đồng.

Xe gắn máy vận chuyển thuốc lá lậu

Hiện, trên địa bàn tỉnh nổi lên nhiều vấn đề cần lực lượng chống buôn lậu quan tâm. Cụ thể, tại biên giới Campuchia tồn tại hơn 30 kho hàng hóa. Trong nội địa và tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh còn 22 kho, bãi tập kết hàng hóa buôn lậu. Toàn tỉnh có đến 31 điểm tập kết, 294 đối tượng có điều kiện và khả năng hoạt động. Các đối tượng này luôn trong trạng thái sẵn sàng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại bất cứ lúc nào.

Vì vậy, để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả cao, ngoài việc dựa vào dân, mới đây Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công buôn lậu thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng. Với cách làm này, An Giang kỳ vọng sẽ kiểm soát, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước.

"Ngoài dựa vào dân để chống buôn lậu, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đồng thời tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng. Công bố, công khai số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của đơn vị, địa phương, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền” - đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang yêu cầu.

 

MINH HIỂN