An Giang: Giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2024

17/07/2024 - 06:10

 - Những nỗ lực của tỉnh giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế An Giang tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ (GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,6%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,6%), nhưng chưa đạt kịch bản đề ra (tăng từ 7,46 - 8,12%). Để hoàn thành mục tiêu GRDP năm 2024 tăng 7,5 - 8,5%, đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thuận lợi đan xen khó khăn

Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, xung đột tại Biển Đỏ, dải Gaza leo thang, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa và hoạt động xuất, nhập khẩu toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của An Giang gặp khó khăn khi cước phí hàng hải tăng, một số thị trường không ổn định.

Tuy nhiên, nhờ tình hình trong nước ổn định, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, DN và Nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2024, An Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng tốt, tiếp tục là trụ cột nền kinh tế.

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tăng trưởng tốt về sản lượng và chất lượng; giá bán ổn định ở mức cao so cùng kỳ; xuất khẩu nông sản có nhiều bước tiến mới.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển mạnh, các DN, cơ sở đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Du lịch tăng cả về lượng khách và mức chi tiêu.

Thời gian qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh và các địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, thiếu nước, sạt lở bờ sông... còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc giữa các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, kinh doanh bất động sản... chưa được đồng bộ nên thu hút dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm còn hạn chế.

Ngoài ra, nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm của tỉnh còn khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện một số dự án. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp; số vụ tội phạm ma túy và số vụ tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ.

Tận dụng thời cơ mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) thời gian tới dự báo có nhiều cơ hội mới mở ra, nhờ các hoạt động liên kết phát triển KTXH trong vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh tiếp tục được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư...

Với lợi thế là tỉnh nông nghiệp, số lượng và chất lượng nông sản của An Giang ngày càng được cải thiện; giá trị ngày càng cao nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ, cải thiện giống chất lượng cao, sản xuất đơn đặt hàng và tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường khó tính, như: Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khi các công trình trọng điểm được đưa vào sử dụng, cơ sở hạ tầng giao thông của An Giang ngày càng hoàn thiện, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo điều kiện mạnh mẽ cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng ĐBSCL.

Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai thực hiện, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tầm nhìn mới cho các nhà đầu tư, DN trên địa bàn tỉnh và toàn vùng.

Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn đang chờ phía trước, khi dự báo từ nay đến cuối năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, lạm phát ở mức cao, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có khả năng sụt giảm. Ngoài ra, thu hút đầu tư có khả năng chưa phục hồi do DN gặp nhiều khó khăn từ thị trường thu hẹp, lãi vay cao, khả năng vay vốn khó...

Các cơ chế, chính sách, quy định mới được Trung ương ban hành mặc dù đã giải quyết được một số chồng chéo, mâu thuẫn pháp luật trước đây, nhưng nhìn chung các vướng mắc, chồng chéo vẫn còn, đồng thời phát sinh những mâu thuẫn mới, làm chậm quá trình phát triển và khả năng thu hút đầu tư.

Giải pháp đồng bộ

Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho năm “tăng tốc” 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024, hướng đến hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước mắt, chủ động triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất thắng lợi vụ hè thu và thu đông 2024; theo dõi sát và ứng phó chủ động với thiên tai, giông lốc, sụt lún, sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện luật, nghị định, quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh bất động sản, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất; về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư theo ngành, lĩnh vực; tháo gỡ, khơi thông nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc của các dự án đang triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo của các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Cùng với đó, khẩn trương lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chuẩn bị công tác xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 thuộc lĩnh vực KTXH, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 và xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.

HOÀNG XUÂN