An Giang: Hành động nâng cao năng lực cạnh tranh

24/08/2023 - 06:19

 - Chấp nhận thực tế rằng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm sâu là biểu hiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh An Giang đang tồn tại nhiều dấu hiệu bất ổn, UBND tỉnh quyết tâm hành động để cải thiện. Tỉnh thống nhất quan điểm xem doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, người dân là trung tâm cải cách, lấy sự hài lòng là giá trị cốt lõi để phục vụ.

Thẳng thắn, trách nhiệm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng giảm sút. Điều này biểu hiện rõ nhất qua Chỉ số PCI năm 2022: Giảm 37 bậc so năm 2021, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách để bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; có thể tác động lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) chung của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 699/KH-UBND về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh một cách bền vững. Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động, thuận lợi, góp phần thu hút đầu tư, phát triển DN, đảm bảo phát triển KTXH bền vững.

Lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương thống nhất quan điểm đặt DN, nhà đầu tư, người dân là trung tâm cải cách, lấy sự hài lòng là giá trị cốt lõi để phục vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích sự tham gia đầu tư của DN, thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương. Đồng thời, cần xem “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hỗ trợ DN” là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, trực tiếp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thực chất và hiệu quả.

“Phải kiên định, nhất quán trong điều kiện bị tác động bởi nhiều phía, bên trong và bên ngoài. Việc gì thấy đúng, thấy trúng thì phải kiên định giải quyết nhanh chóng, thực hiện nghiêm túc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước lưu ý.

5 nguyên tắc “vàng”

Để thật sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo thực hiện 5 nguyên tắc.

Đối với nguyên tắc về trách nhiệm, phải luôn chủ động, thực hiện tốt vai trò của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan hỗ trợ; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, xử lý; khen thưởng, kỷ luật. Đối với nguyên tắc về hành động, phải kiên trì, quyết liệt, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại cấp trên; giải quyết công việc phải nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm.

Về nguyên tắc minh bạch, các khâu công việc phải được công khai, công bằng, cụ thể, rõ ràng. Với nguyên tắc chuẩn xác, phải chuẩn xác về thẩm quyền (theo từng việc, từng công đoạn), về quy trình, hồ sơ, thủ tục, tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng, định lượng (khối lượng và số lượng).

Trong khi đó, nguyên tắc tập trung yêu cầu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân theo phương châm “Mỗi tổ chức, cá nhân có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng 1 việc chỉ do 1 tổ chức, cá nhân chủ trì và chịu trách nhiệm chính”. UBND tỉnh yêu cầu cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của địa phương, kết hợp với nắm bắt nhu cầu, khả năng đầu tư của từng nhà đầu tư cụ thể, để xây dựng hoạt động mời gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm và hiệu quả.

Chung tay hành động

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành và địa phương sớm tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh An Giang ban hành nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư, hỗ trợ DN” đến năm 2025, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị, đồng thời đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang yêu cầu nghiêm túc khắc phục tình trạng không dám tham mưu, không dám đề xuất hoặc đề xuất không rõ ràng, đẩy cái khó lên cấp trên của một số cơ quan, đơn vị. Trong thực hiện nhiệm vụ, phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo từ trên xuống dưới, hạn chế tối đa tình trạng chạy theo xu hướng tiêu cực, đùn đẩy trách nhiệm, “xin ý kiến cấp trên” hoặc lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ trái với ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Phải chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng “bàn lùi”, vịn cớ “quy định pháp luật chưa rõ” để làm cầm chừng, phòng thủ, giữ an toàn cho mình, cản trở sự phát triển.

Cùng với đó, chấn chỉnh công tác tham mưu chưa đảm bảo quy định, xem xét, xử lý nghiêm cán bộ, công chức tham mưu chưa chuẩn, chưa đúng do thiếu nghiên cứu hoặc cố ý làm trái quy định của pháp luật để trục lợi. “Trong công tác tham mưu giải quyết vấn đề của DN, tuyệt đối dựa trên nguyên tắc công bằng và chia sẻ, không đẩy cái khó cho DN, lấy phần dễ cho cơ quan Nhà nước hoặc ngược lại” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN