Đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo An Giang)
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII); Đảng bộ An Giang đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất. Thông qua nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất; việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo sự chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội - được các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”; hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nội dung, biên soạn và tổ chức triển khai học tập chuyên đề trong toàn tỉnh sát với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương. Việc lựa chọn nội dung, xây dựng chuyên đề được tỉnh thực hiện với tinh thần tự lực biên soạn, triển khai và chủ động tổ chức thực hiện - đảm bảo chuyên đề được triển khai học tập trong toàn tỉnh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu hàng năm.
Cụ thể, năm 2022 An Giang lựa chọn chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Năm 2023 lựa chọn chủ đề: “Xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang xác định các nội dung đột phá, trong đó, tập trung triển khai thực hiện: Nâng cao văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng; đề cao văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, để việc nêu gương trở thành hành động tự giác “Văn hóa nêu gương”; xây dựng văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện lệch lạc, khuynh hướng vi phạm văn hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung xây dựng gia đình, xã, phường, thị trấn, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu dân cư có đời sống văn hóa lành mạnh.
Căn cứ Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cấp, các ngành trong tỉnh đều chủ động tổ chức triển khai, xác định giải pháp cụ thể xoay quanh các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; nâng cao chất lượng tổ chức học tập, sinh hoạt thường xuyên nội dung chuyên đề của tỉnh; tổ chức làm theo và nêu gương bằng những việc cụ thể, thiết thực; định kỳ tổ chức Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác (mỗi năm giới thiệu cho báo chí trong tỉnh và Trung ương tuyên truyền, nhân rộng trên 150 điển hình). Trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh luôn chú trọng phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, hợp lý; đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khắc phục, ngăn ngừa bệnh hình thức, bệnh thành tích; thiếu trung thực, nói không đi đôi với làm.
Việc triển khai học tập và làm theo Bác cũng được các ngành, các cấp trong tỉnh tận dụng tối đa các nền tảng công nghệ để lồng ghép, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; tăng cường hướng dẫn và động viên mọi người cùng tham gia tương tác về những chủ đề cụ thể liên quan đến tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thông qua đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phương thức tiếp cận thường xuyên, liên tục cả đọc, nghe, xem… và cứ đều đặn như vậy, đã góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, những câu chuyện về Bác và những gương điển hình trong học tập và làm theo Bác ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong toàn xã hội; làm cho việc học và làm theo Bác không chỉ là phong trào mà từng bước đã trở thành hành động tự giác, thường xuyên của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị và tạo ra những chuyển biến tích cực, thực chất trong xây dựng văn hoá, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để phát huy vai trò nêu gương, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo”. Thông qua đó, nên mặc dù trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, biến khó khăn thành cơ hội để phát triển.
Với tư duy và tầm nhìn mới, cách làm sáng tạo, các ngành, các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Qua đó, năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh (từ 1 - 1,2%/năm); đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ; tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; đội ngũ cán bộ được sắp xếp, bố trí phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, nội chính, dân vận được chú trọng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được nâng cao.
Tổ từ thiện xã Phú Lâm tích cực tham gia công tác xã hội.
Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh thường xuyên chú trọng tăng cường lắng nghe và đối thoại với Nhân dân. Thông qua nhiều biện pháp thiết thực, như: Mô hình Diễn đàn “Lắng nghe dân nói”; triển khai Đề án Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội... Qua đó, những vấn đề bức xúc nảy sinh đều được tổng hợp hằng ngày, hằng tuần và được kịp thời phản ánh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để tập trung giải quyết hoặc đề xuất xử lý; kết quả giải quyết được thông tin công khai trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh để người dân biết và giám sát. Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, không né tránh và luôn tôn trọng sự thật; việc kịp thời nắm bắt và phối hợp xử lý tốt, ngay từ sớm các vấn đề bức xúc nảy sinh đã góp phần thiết thực củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên trong tỉnh còn phát huy vai trò nêu gương trong việc tham gia công tác an sinh xã hội. Hưởng ứng Kế hoạch phát động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hằng năm, mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh đều tích cực thực hành tiết kiệm - tham gia đóng góp tự nguyện - mỗi người ít nhất 1.000đ/ngày. Số tiền thu được từ nguồn tiết kiệm này được điều tiết chăm lo cho công tác an sinh xã hội thông qua hỗ trợ các nguồn quỹ, như: Quỹ “Xã hội công đoàn” - chăm lo cho đối tượng đoàn viên công đoàn gặp khó khăn; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” - chăm lo cho các đối tượng chính sách, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công; Quỹ “Khuyến học” - chăm lo cho học sinh nghèo hiếu học; Quỹ “Vì người nghèo” chăm lo cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
Từ sự nêu gương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội và góp phần chăm lo cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Để rồi khi nhắc đến An Giang, mọi người sẽ nhớ đến vùng đất ấm áp nghĩa tình với rất nhiều mô hình thiện nguyện, nổi bật như: "Mô hình xe chuyển bệnh miễn phí" (tính đến tháng 4/2023 toàn tỉnh hiện có 280 xe chuyển bệnh từ thiện); mô hình "Bếp ăn không đồng", "Gian hàng không đồng"; bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện; “Tổ cất nhà từ thiện”, “Tổ đổ cột bê-tông, cất nhà Đại đoàn kết”, “Tổ xây cầu nông thôn”; “Khu dân cư Đại đoàn kết gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội”; “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”;…
Tỉnh An Giang thực hiện việc học và làm theo Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội và góp phần chăm lo cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Trong ảnh: Đội xây dựng cầu đường xã Hội An, tỉnh An Giang.
An Giang còn được nhớ đến với những người nông dân chân chất, mộc mạc, một nắng hai sương trên ruộng đồng, dù cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng hiến đi phần đất đai sinh kế của bản thân, gia đình để làm đường, cất trường học, bệnh viện… Ai có nhiều đóng góp nhiều, ai có ít đóng góp ít, không có vật chất thì đóng góp bằng những ngày công lao động, hoặc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Chạy xe hút đinh trên các tuyến đường; thực hiện vá xe miễn phí; tự nguyện vá đường v.v… Đó chỉ là một vài điển hình tiêu biểu trong hàng trăm, hàng ngàn những người tốt, việc tốt - đủ mọi thành phần, lứa tuổi; tôn giáo, dân tộc… xuất phát từ tình cảm, từ tấm lòng luôn hướng đến học tập và làm theo Bác để góp phần nhân lên ngày càng nhiều những việc làm tử tế, tốt đẹp trên địa bàn tỉnh.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, với quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh; tin tưởng rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả thiết thực và ngày càng thấm sâu, lan tỏa “như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn” để những điều tử tế, tốt đẹp trong cuộc sống ngày càng được phát huy, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh; cuộc sống của người dân An Giang ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Trần Thị Thanh Hương
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang