An Giang hướng đến tăng trưởng bền vững

22/05/2023 - 05:41

 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) những tháng đầu năm của An Giang cao hơn bình quân cả nước, là cơ sở quan trọng để tỉnh đạt chỉ tiêu tăng trưởng từ 7 - 7,5% năm 2023. Từ đó, tăng tốc mạnh năm 2024, 2025 để “bù đắp” cho giai đoạn đầu khó khăn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Nông nghiệp nền tảng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm dự ước tốc độ GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của An Giang khả năng tăng 6,95% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2022 (tăng 4,98%). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ” nền kinh tế khi có thể đạt mức tăng 3,7%, chiếm tỷ trọng 31,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng tốc gần 10%, chiếm 16,2%; khu vực thương mại - dịch vụ phục hồi với khả năng tăng 8,8%, chiếm gần 47,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,4%, chiếm gần 4%.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông-lâm-thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp nhu cầu thực tế thị trường, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững.

Cùng với thắng lợi về năng suất và giá lúa, nông dân An Giang còn luân canh trồng lúa với hoa màu, phát triển vườn cây ăn trái. Trong khi đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng ước khoảng 17.000 tấn, tăng 2.000 tấn so cùng kỳ 2022. Đối với thủy sản nuôi, sản lượng thu hoạch 6 tháng đạt 253.000 tấn (tăng 9%), trong đó sản lượng cá tra thu hoạch 215.000 tấn, tăng 9,5% (tương đương 18.700 tấn); các loại cá khác gần 37.800 tấn, tăng 6,3% (tương đương 2.200 tấn).

Ổn định trên các lĩnh vực

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, hoạt động sản xuất được tăng cường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ước 6 tháng, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt khoảng 19.661 tỷ đồng (giá so sánh), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so cùng kỳ. Khu vực xây dựng toàn tỉnh ước tăng trưởng 7,2%.

Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5; nguồn hàng dự trữ đầy đủ, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Doanh nghiệp (DN) tăng cường chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá hợp lý, thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm.

Nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa được tổ chức, kích cầu tiêu dùng và du lịch (DL) của người dân, như: Hội chợ công thương vùng ĐBSCL - An Giang 2023, ký kết quảng bá DL An Giang trên nền tảng mạng xã hội TikTok, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của An Giang ở hội chợ, diễn đàn thương mại toàn quốc.

Trong 6 tháng, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 94.200 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 15,8%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 16.800 tỷ đồng, tăng 17,7%. Dịch vụ ăn uống và lưu trú, vận tải kho bãi, vui chơi giải trí tiếp tục tăng trưởng cao, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng của ngành dịch vụ.

Vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, các khu, điểm DL trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chuẩn bị chu đáo đón khách DL. Ước toàn tỉnh đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 15% so cùng kỳ và đạt 75% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ và đạt 71% kế hoạch năm 2023.

Thêm động lực phát triển

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, dù có nhiều điểm sáng tăng trưởng, nhưng với đặc thù tỉnh nông nghiệp, nằm ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, An Giang vẫn có khó khăn, hạn chế nhất định. DN được hỗ trợ chính sách khôi phục sản xuất, nhưng gặp khó do nguồn cung lao động chưa ổn định, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao, thiếu hụt nguồn vốn tái sản xuất, lãi suất còn cao, thị trường khó khăn…

Xác định tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông có ý nghĩa quan trọng, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trọng điểm, như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang dài khoảng 57km (dự kiến khởi công trước 30/6/2023); tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, hoàn thành trước ngày 31/12/2023; cầu Châu Đốc thi công vượt tiến độ, dự kiến thông xe cuối năm 2023; tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2024 để kết nối thông suốt với cầu Châu Đốc.

“Tỉnh đang đề xuất xây dựng thêm cầu Tân Châu - Hồng Ngự để thông tuyến Quốc lộ N1; cầu Vàm Nao để thông tuyến Quốc lộ 80B. Những công trình này cùng các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Khi cầu thông, đường thoáng, thời gian di chuyển từ các vùng kinh tế trọng điểm đến An Giang được rút ngắn, thuận lợi hơn, An Giang sẽ có điều kiện thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư, tiếp động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, là tỉnh nông nghiệp, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường sẽ còn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, chưa nhiều DN tham gia vào nghiên cứu giống, sơ chế, chế biến tinh, bảo quản và logistics, dẫn đến chưa phát triển được tập đoàn nông nghiệp quy mô lớn, tăng thu nhập cho nông dân.

Do An Giang chưa cân đối được ngân sách, nên nguồn kinh phí hỗ trợ ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; chưa có quỹ đất lớn đáp ứng nhu cầu DN. Do vậy, cần có cơ chế đặc thù thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở An Giang, cũng như vùng ĐBSCL; nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi tích tụ đất đai, đáp ứng liên kết sản xuất lớn…

NGÔ CHUẨN