An Giang kết nối giao thông để phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị

24/11/2023 - 06:20

 - “Hệ thống giao thông yếu kém, chưa đồng bộ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của An Giang - một tỉnh biên giới, cách xa trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Khi bài toán giao thông được giải quyết, điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế chính sách được tháo gỡ, tỉnh sẽ có cơ hội bứt phá, vươn lên phát triển xứng tầm” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ngô Công Thức nhấn mạnh khi chia sẻ về định hướng cốt lõi của ngành GTVT.

P.V: Xin ông cho biết quy mô và tiến độ thực hiện cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, qua địa bàn tỉnh An Giang và nhiều công trình trọng điểm khác?

Ông Ngô Công Thức: Đối với dự án tuyến nối Quốc lộ (QL) 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên có chiều dài tuyến chính 15,6km, cùng đoạn nâng cấp QL80 từ QL91 vào tuyến tránh và lên cầu Vàm Cống dài khoảng 2km, tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng (vốn vay ADB và vốn ngân sách Trung ương), dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7/2024. Ngành GTVT còn nâng cấp tải trọng các cầu yếu, hệ thống thoát nước, lắp đặt trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông… trên tuyến QL91 (đoạn qua TP. Long Xuyên).

Đối với dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, toàn tuyến dài 188,2km (đoạn qua địa phận An Giang dài 56,74km), đang đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Bộ GTVT cũng thống nhất chủ trương, chuyển các tuyến Đường tỉnh 848 (tỉnh Đồng Tháp), 942 và 952 (tỉnh An Giang) lên QL80B. Tỉnh đang đầu tư nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên, nối với huyện Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang (Đường tỉnh 945), tổng mức đầu tư 1.803 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Đến nay, đã thi công hoàn thành giai đoạn 1; các hạng mục công trình chính của giai đoạn 2 và 3 thực hiện đạt 93 - 100%.

Tỉnh đang nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941 (đoạn từ cầu 16 đến ngã ba giao nhau giữa đường 3/2 và đường Hùng Vương, huyện Tri Tôn); Đường tỉnh 949; xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu - TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, cùng nhiều dự án khác đã đạt tiến độ từ 50 - 99%. Một số tuyến đã thi công hoàn thành, như: cầu Mướp Văn - Đường tỉnh 943, cầu Kênh Xáng - Đường tỉnh 946...

PV: Thời điểm cuối năm, nhất là vào dịp Tết Dương lịch, ngành GTVT có kế hoạch gì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông?

Ông Ngô Công Thức: Ngành GTVT đang tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh là tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; chuẩn bị hội nghị sơ kết về xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ngành tập trung huy động nguồn lực đầu tư những công trình giao thông trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tập trung phát triển đồng bộ, liên hoàn hệ thống đường bộ, đường thủy kết nối các điểm dân cư tập trung, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, khu du lịch…

Bên cạnh đó, ngành triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là việc lấn chiếm lòng lề đường, hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Mặt khác, ngành tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở GTVT với UBND huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các tiêu chí, hành vi văn hóa đảm bảo thông thoáng lòng đường, vỉa hè, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông an toàn, thông suốt.

PV: Những định hướng cần phát huy của ngành những năm tới là gì?

Ông Ngô Công Thức: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch là căn bản. Vừa qua, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng nhằm tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững. Quan trọng là đảm bảo lưu thông nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng hóa, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành GTVT từng bước đổi mới phương tiện để nâng cao khả năng vận chuyển, chất lượng phục vụ, vừa đảm bảo tính an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngành chủ động tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác kiểm định phương tiện giao thông, đồng thời tăng cường phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên làm công tác đăng kiểm.

Ngành cũng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Mặt khác, ngành còn cải tiến quy trình nghiệp vụ, giảm thời gian làm thủ tục, tạo môi trường thân thiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ công nhanh chóng, tiết kiệm…

PV: Xin cám ơn ông!

THÁI VĨNH