An Giang khắc phục điểm yếu nông nghiệp

24/02/2022 - 06:14

 - Thời gian qua, An Giang đã tập trung khai thác tốt thế mạnh nông nghiệp, nâng chất đời sống nông thôn. Tuy nhiên, những điểm yếu cố hữu vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nhằm “đánh thức” tiềm năng, lợi thế ngành nông nghiệp, ngoài nỗ lực của tỉnh, cần sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, đặc biệt là trong đầu tư và quy hoạch đồng bộ nông nghiệp ĐBSCL.

Liên kết xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là khuynh hướng tất yếu

Củng cố liên kết sản xuất

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của An Giang đạt 2,22% (năm 2020 tăng 1,97%); giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân khoảng 205 triệu đồng/ha (tăng gần 10 triệu đồng/ha so năm 2020). Đây là những kết quả đáng tự hào của ngành nông nghiệp An Giang trước sự “càn quét” của đại dịch COVID-19.

Trong kim ngạch xuất khẩu 1,12 tỷ USD của tỉnh (tăng 20,43% so năm 2020), 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản đóng góp rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 516.000 tấn, tương đương 278,5 triệu USD, tăng 3,15%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 113.700 tấn, tương đương 357,9 triệu USD, tăng 26,91% so năm 2020.

Một điểm sáng khác, An Giang đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: Vùng chuyên canh nếp Phú Tân, quy mô trên 20.000ha; vùng chuyên canh xoài thuộc 3 xã cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), quy mô 6.400ha; vùng sản xuất chuối, quy mô 2.000ha; vùng sản xuất cá tra chất lượng cao, quy mô 600ha (Nam Việt Bình Phú); vùng sản xuất cá tra giống, quy mô 100ha... An Giang đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng linh hoạt và giảm diện tích sản xuất lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác, như: Rau màu, cây ăn trái, tăng diện tích thủy sản… Năng suất, sản lượng một số cây trồng chính có xu hướng tăng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, mối quan hệ sản xuất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng được củng cố. Trong đó, quan hệ sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác dần được thiết lập theo chuỗi giá trị, phù hợp với xu thế phát triển. Tỉnh hỗ trợ phát triển loại hình HTX kiểu mới có sự tham gia của DN, các tổ chức tín dụng, sự tham gia của nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ. An Giang đang phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa với sự tham gia của 44 HTX nông nghiệp và trên 200 tổ hợp tác. Trong ghi nhớ hợp tác đã ký với Tập đoàn Lộc Trời, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến 2025, sẽ thành lập 200 HTX nông nghiệp gắn với DN.

Kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, nhận thức về bản chất, vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên. Kinh tế tư nhân đã hình thành một số DN có quy mô lớn hướng vào những lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, như: Chế biến gạo, thủy sản, rau quả…

Khắc phục khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù cố gắng nhưng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp vẫn chưa đạt mục tiêu kế hoạch. Quy mô sản xuất nông nghiệp của An Giang nhìn chung vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản còn thấp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp đang diễn ra chậm, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn và cây lúa vẫn là chủ yếu. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn rất thấp. Đại dịch COVID-19 càng làm bộc lộ điểm yếu của sản nông nghiệp nhỏ lẻ, tự phát. Chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản có những lúc bị đứt gãy. Chi phí vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá một số sản phẩm chăn nuôi thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và thu nhập của nông dân.

Trên thực tế, chưa có nhiều chuỗi giá trị nông, thủy sản bền vững và hiệu quả. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, logistics để phát triển nông nghiệp vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tỷ lệ sản phẩm nông sản qua chế biến vẫn còn ở mức thấp, dẫn đến giá trị nông sản chưa cao. Thu nhập và khả năng tích lũy của dân cư nông thôn nhìn chung vẫn còn ở mức thấp. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao từng bước được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh...

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xây dựng Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản tại vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, logistics… cho vùng ĐBSCL.

UBND tỉnh An Giang còn kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (đất đai, thuế, đầu tư...). Đồng thời, quan tâm đầu tư mở rộng, nạo vét thông luồng các cảng ở khu vực ĐBSCL, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa của vùng. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống logistics của vùng nhằm tạo nên sự kết nối thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng theo hướng bền vững.

An Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tích tụ đất đai để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong thời gian tới.

NGÔ CHUẨN