An Giang khai thác tiềm năng du lịch tâm linh

09/10/2023 - 06:09

 - Những năm gần đây, các khu du lịch (DL) văn hóa tâm linh có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với quy mô rất lớn, thu hút được sự quan tâm của dư luận và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc phát triển các khu DL văn hóa tâm linh để thu hút DL, góp phần phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương là chủ trương có ý nghĩa tích cực.

Phát huy tiềm năng sẵn có

Xuất phát từ loại hình DL văn hóa, DL tâm linh là một trong những loại hình DL lâu đời, xuất hiện từ nhu cầu nhận thức và phát triển tâm linh của con người. Hiện nay, DL tâm linh được xem là phân khúc DL đặc biệt thích hợp, cần phát huy hết tiềm năng để phát triển thành công ngành DL văn hóa.

An Giang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer, với nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức trong năm. Đây là điều kiện thuận lợi để An Giang phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển DL, nhất là loại hình DL tâm linh.

Mặt khác, An Giang có gần 1,6 triệu tín đồ tôn giáo chiếm khoảng 82% dân số, có tôn giáo gắn với dân tộc (Phật giáo Nam tông Khmer gắn liền với dân tộc Khmer, Hồi giáo (Islam) gắn liền với dân tộc Chăm).

Toàn tỉnh hiện có 11 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kytô Việt Nam, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương.

Có 3 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh); 297 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 528 cơ sở thờ tự hợp pháp (9 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích xếp hạng cấp tỉnh), trong đó, Phật giáo 324 cơ sở thờ tự, 266 cơ sở tín ngưỡng…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, nằm trong khu vực liên kết DL vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, An Giang được khá nhiều du khách chọn là điểm đến, vì ngoài các điểm tham quan DL, nơi đây còn có nhiều đền, chùa và các dự án khu DL văn hóa tâm linh có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, gồm: Khu DL quốc gia núi Sam, Khu DL núi Cấm và Khu DL văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo núi Sam.

Việc triển khai phát triển DL tâm linh đã tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương hàng năm và tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. DL phát triển, một lực lượng lao động không nhỏ tại địa phương có việc làm bằng việc tham gia vào rất nhiều dịch vụ đi kèm, như: Hàng hóa, sản phẩm phục vụ du khách, giao thông - vận tải, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí... Khi lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, DL đông, các ngành kinh tế khác của địa phương cũng được phát triển, như: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...

Góp phần để du lịch tăng tốc, bứt phá

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, những năm qua, ngành DL An Giang đã tập trung phát triển đồng bộ các loại hình DL, trong đó DL tâm linh giữ vai trò trọng tâm, chủ yếu tập trung tại Khu DL quốc gia núi Sam, núi Cấm, các điểm di tích, đình, đền, chùa của các tôn giáo tập trung xung quanh khu vực vùng Bảy Núi.

“Thời gian gần đây, DL An Giang đã có những bước chuyển mình đáng kể, số lượng du khách và doanh thu dịch vụ DL tăng qua mỗi năm. Cùng với các loại hình DL khác, DL tâm linh, lễ hội đã có những đóng góp quan trọng giúp ngành DL An Giang tăng tốc và bứt phá” - ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.

Lần đầu đến tham quan tượng Phật Di lạc trên núi Cấm (TX. Tịnh Biên), bà Nguyễn Thị Bình (quê tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Cảnh quan nơi đây thoáng đãng, trong lành, yên ả. Là khách đi vãn cảnh chùa, tôi cảm nhận được sự thanh bình, thư thái, không còn cảnh xô bồ, ồn ào của cuộc sống thường ngày. Sau khi rời núi Cấm, đoàn chúng tôi sẽ đến miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Hang, chùa Tây An ở TP. Châu Đốc. Chúng tôi vừa đi cúng ở chùa, đền, miếu, vừa kết hợp tham quan DL”.

DL tâm linh đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm cho ngành DL tỉnh nhà. DL tâm linh vừa thúc đẩy phát triển ngành DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, giá trị di sản, di tích. Đồng thời, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, kết nối cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhau phát triển, xây dựng quê hương, đất nước. Mặt khác, ngành văn hóa, DL, chính quyền địa phương kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để trục lợi, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Để DL tâm linh An Giang tiếp tục phát triển bền vững, ngành DL cần phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động du khách, người dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội, thăm viếng nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Tỉnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển DL vùng. Đồng thời, làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ. Kết hợp DL tâm linh, lễ hội với DL sinh thái, DL ẩm thực dân gian… để phát triển thành các tuyến, điểm DL.

THU THẢO