Chủ động tham gia
Với lợi thế lớn về sản xuất lương thực, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, ĐBSCL được xem là trung tâm nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng “trũng” về nhiều mặt, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là tính liên kết vùng chưa hiệu quả, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) còn rời rạc, chưa tạo sức bật đột phá.
Trước thực trạng này, lãnh đạo 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng với Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) đã thảo luận, thống nhất tổ chức diễn đàn chung khu vực (Mekong Connect) cũng như thành lập Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC).
Ngày 31-10-2016, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình số 579/CTr-UBND về hợp tác liên kết giữa tỉnh An Giang và 3 tỉnh (Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) với sự phối hợp của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, BSA, LBC. Đồng thời, tích cực và chủ động tham gia Mekong Connect - diễn đàn kinh tế lớn nhất ĐBSCL do các tỉnh ABCD Mekong đăng cai tổ chức. Trong đó, nhiệm vụ của từng sở, ngành được phân công cụ thể.
Ngày 26-10-2017, tại Mekong Connect do tỉnh Bến Tre đăng cai, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã được UBND tỉnh giao phụ trách khu vực triển lãm của tỉnh, trưng bày hình ảnh cùng các sản phẩm được chọn lọc từ cá, đặc biệt là cá tra. Gian triển lãm của An Giang nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút các đại biểu tham quan, trao đổi.
Trung tâm còn hỗ trợ các DN An Giang, như: Cơ sở sản xuất nước mắm Đỉnh Hương, Công ty mắm BGK 55555, Công ty Lương thực Tấn Vương… gặp gỡ và trao đổi, giới thiệu sản phẩm đến các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, như: Co.opmart, VinMart, Satra, BigC, Auchan… và các tiểu thương tại các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh. Riêng Công ty mắm BGK 55555 đã hợp tác được với cửa hàng giới thiệu và phân phối đặc sản ĐBSCL tại tỉnh Vĩnh Long.
Cũng tại Mekong Connect 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang được giao phụ trách hội thảo về cá. Hội thảo thu hút khoảng 100 đại biểu, gồm: lãnh đạo tỉnh An Giang, đại diện các nhóm nghiên cứu, chuyên gia quốc tế, DN dẫn đầu về phát triển và thương mại sản phẩm cá. Các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, nghiên cứu về triển vọng và thách thức ngành hàng cá tra ĐBSCL, đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị, phát triển bền vững loài cá đặc hữu của vùng ĐBSCL.
Dịp này, BSA đã phối hợp với 4 tỉnh ABCD tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”, đồng thời tổ chức các phiên thảo luận chuyên đề phân tích sâu về phát triển 4 tài nguyên bản địa của 4 tỉnh ABCD (dừa, gạo, cá, sen).
Sản phẩm An Giang tham gia Mekong Connect 2020
Phát huy thế mạnh
Ngày 7-11-2019, TP. Cần Thơ đăng cai tổ chức Mekong Connect với chủ đề “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng thị trường hội nhập thị trường”, thu hút trên 700 đại biểu tham gia. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tiếp tục được giao phụ trách khu vực triển lãm của tỉnh. Các sản phẩm của DN An Giang được trưng bày hài hòa cùng với tài liệu mời gọi đầu tư và ấn phẩm giới thiệu du lịch của tỉnh. Lần này, An Giang mang đến nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, như: gạo, đường thốt nốt, rượu, thực phẩm chế biến đóng hộp, dâu tằm, khô, tinh dầu chúc, trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ…
Gian hàng của An Giang đã thu hút hơn 500 lượt đại biểu tham quan, tìm hiểu, kết nối. Các sản phẩm được quan tâm nhiều nhất là gạo mầm Vibigaba của Tập đoàn Lộc Trời, mắm cá linh chưng đóng hộp của Công ty Antesco, hàng thủ công mỹ nghệ của Cơ sở sản xuất chiếu Uzu Tân Châu Long II, trà xạ đen Thảo An của Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang.
Tại Mekong Connect 2019, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang được giao phụ trách tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ - kết nối chuỗi giá trị, giảm rủi ro cho nông sản”. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) chủ trì, cùng 4 chuyên gia tham gia thảo luận, trao đổi sâu với hơn 100 đại biểu tham dự.
Trong đó, GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo; Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long Trần Thị Vân Loan chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra; Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ Nguyễn Thể Hà chia sẻ thông tin về nhu cầu cơ giới hóa đồng ruộng ĐBSCL trước bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu; ông Piki Parmita (Công ty tư vấn Deloitte Pacific) chia sẻ các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp thông minh.
Mekong Connect 2019 được xem là “đánh” trúng vào “điểm nghẽn” còn tồn tại trong nông nghiệp vùng ĐBSCL. Các gợi ý tại diễn đàn giúp các địa phương nhìn ra hạn chế, đề ra giải pháp nhằm nâng cao vị thế nông nghiệp của khu vực, đặc biệt là nâng cao thu nhập của người nông dân.
Ngày 21-12 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã đăng cai tổ chức diễn đàn Mekong Connect 2020. Với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”, diễn đàn lần này được tổ chức với nhiều đổi mới. Tại diễn đàn, đại diện Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Đầu tư 4 tỉnh ABCD Mekong cùng với chương trình SKC (Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo) của BSA đã ký kết phối hợp trưng bày và kết nối thương mại các sản phẩm của 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Tại khu trưng bày, triển lãm, An Giang mang đến nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, cùng với đó là các giỏ quà Tết OCOP độc đáo, thiết thực, được các đại biểu đánh giá cao. An Giang cũng tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Công nghiệp hóa sản xuất - kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP”. Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nước, các chủ thể OCOP tiêu biểu trên địa bàn An Giang...
Sản phẩm An Giang tham gia Mekong Connect 2020
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, thông qua các diễn đàn Mekong Connect, đã góp phần thúc đẩy việc liên kết, hợp tác trong việc hỗ trợ, quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các DN 4 tỉnh ABCD Mekong. Các DN tiếp cận và nắm bắt được những cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế, nhất là được cung cấp các thông tin, điều kiện, tiêu chuẩn khi xuất khẩu các thị trường khó tính, như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc… Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác cùng phát triển để nâng cao lợi thế cạnh tranh, vươn ra thị trường thế giới.
Mekong Connect giúp tăng các hoạt động kết nối giao thương (Business Matching) giữa các DN và nhà bán lẻ trong, ngoài nước. Từ đó, tạo cơ hội kết nối giữa các DN An Giang cũng như ĐBSCL với các đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu, như: Co.opmart, VinMart, Satra, BigC, Amcham, DN đầu mối TP. Hồ Chí Minh… |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN