An Giang kịp thời đưa chính sách hỗ trợ đến với người lao động

16/09/2021 - 05:07

 - Trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có những chính sách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN), khôi phục sản xuất - kinh doanh, chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ đoàn viên, người lao động (NLĐ). Rất khẩn trương, công đoàn các cấp trong tỉnh thực hiện linh động, trách nhiệm để DN, đoàn viên, NLĐ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ sớm nhất.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh An Giang về số đoàn viên, công nhân, viên chức, NLĐ ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, toàn tỉnh có 49 người là F0, 323 người là F1, 84 người là F2 nghỉ việc cách ly tại nhà; 359 người đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, tính từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 (ngày 27-4) đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện tốt phòng, chống dịch và chăm lo thiết thực (từ tiền mặt đến hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cần thiết, cấp bách) cho đoàn viên, NLĐ. Gần 7,2 tỷ đồng là tổng giá trị chăm lo được trích từ kinh phí công đoàn và nguồn xã hội hóa (xã hội hóa trên 1 tỷ đồng). Trong đó, LĐLĐ tỉnh chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ trên 5,6 tỷ đồng, cấp huyện trên 1,5 tỷ đồng.

Theo từng thời điểm và đối tượng, LĐLĐ tỉnh An Giang triển khai chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ liên tiếp, như: hơn 3,3 tỷ đồng “tiếp sức” bữa ăn ca cho đoàn viên, NLĐ trong DN sản xuất “3 tại chỗ”; hỗ trợ 1.000 người trong ngành y tế tham gia chống dịch với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng; thăm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại chốt biên phòng, đơn vị y tế, lực lượng dân quân tự vệ; hỗ trợ F0, F1 có hoàn cảnh khó khăn.

LĐLĐ tỉnh An Giang còn góp sức với LĐLĐ các tỉnh đang là tâm dịch của cả nước (TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) về vật chất, nhu yếu phẩm cho NLĐ với tổng số tiền 645 triệu đồng. Trong khi đó, LĐLĐ huyện, công đoàn ngành và công đoàn các khu công nghiệp có nhiều cách làm phù hợp để giúp đỡ công nhân lao động đang ở trọ: vận động nhu yếu phẩm, thiết bị y tế trị giá trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ đoàn viên, NLĐ là F0, F1 trong vùng phong tỏa, cách ly tổng kinh phí 519 triệu đồng.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang đến doanh nghiệp khảo sát về tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động và người sử lao động

Bên cạnh cụ thể hóa thực hiện chính sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tuyên truyền, hỗ trợ DN tiếp cận nhanh với chính sách của Chính phủ ngay khi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ NLĐ, DN khó khăn do COVID-19 được ban hành. Đến nay, toàn tỉnh có 1.594 đơn vị, DN (65.162 NLĐ) được giảm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 19 tỷ đồng; 13 DN (1.250 lao động) được tạm dừng đóng trên 8,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 17 DN được vay hơn 2,3 tỷ đồng để trả lương cho NLĐ; 11 DN với 472 lao động được xem xét hỗ trợ với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng (trong đó có 9 DN được UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ cho 460 lao động)…

“Đạt được kết quả trên là nỗ lực trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ từ đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, với mong muốn đưa hỗ trợ đến đoàn viên, NLĐ nhanh nhất có thể”- ông Nguyễn Hữu Giang chia sẻ. Thường trực LĐLĐ tỉnh An Giang đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, còn các cấp công đoàn đa dạng hóa hình thức tổ chức triển khai, hỗ trợ khẩn cấp đến đoàn viên, NLĐ. Từ đó, DN, NLĐ được giải quyết khó khăn, ổn định tình hình quan hệ lao động. Công đoàn đã ghi nhận thực tế, phối hợp cơ quan chức năng tháo gỡ nhanh chóng vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, dựa trên tình hình, điều kiện thực tế ở từng cơ sở, các cấp công đoàn trong tỉnh đã sáng tạo, linh hoạt thực hiện nhiều mô hình nổi bật về công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ trong mùa dịch. Công đoàn cơ sở xã, thị trấn phối hợp đoàn thể và chính quyền địa phương thực hiện “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng” đến đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tham gia phục vụ điểm cách ly y tế, giúp đỡ hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Không quản ngại vất vả hay nguy cơ nhiễm bệnh, lực lượng đoàn viên công đoàn phát huy trách nhiệm, xông xáo tham gia trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, truy vết, lấy mẫu test nhanh ở địa phương.

LĐLĐ tỉnh An Giang chỉ đạo rút ngắn văn bản, thủ tục và trực tiếp liên hệ với cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc để các chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ được triển khai đúng quy định, đúng thời gian. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng ưu tiên phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động tại DN để có điều kiện sớm trở lại làm việc. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động lên mọi mặt đời sống, công đoàn còn đẩy mạnh mô hình xã hội hóa kinh phí để chăm lo, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, NLĐ, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, góp phần tăng thành quả phòng, chống dịch ở địa phương.

MỸ HẠNH