An Giang liên kết phát triển du lịch

24/03/2023 - 06:58

 - Trong năm 2023, ngành du lịch (DL) An Giang sẽ tăng cường hợp tác, liên kết quảng bá xúc tiến DL, phát triển sản phẩm đặc trưng, nhằm khai thác hiệu quả nguồn dư địa dồi dào, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

An Giang tăng cường kết nối phát triển sản phẩm du lịch

Xu hướng tất yếu

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Kết quả đạt được từ sự tích cực của các sở, ngành chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong mục tiêu khôi phục, phát triển bền vững hoạt động DL của tỉnh. Trong đó, việc tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong, ngoài tỉnh đóng vai trò then chốt. Bởi lẽ, “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”! Đó là “chìa khóa” để mở ra cơ hội phát triển DL An Giang theo hướng đa dạng, hiệu quả và bền vững”.

Trong năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã tham gia 11 gian hàng quảng bá, xúc tiến DL, giới thiệu các tour, tuyến và sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Hội chợ DL Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi.

Ngoài ra, còn tổ chức đoàn công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển DL giữa An Giang với các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển sản phẩm mới. Cùng với đó, kết nối các công ty DL ở An Giang với Công ty Cổ phần Vinpearl chi nhánh Kiên Giang để có các sản phẩm liên kết hiệu quả. Đặc biệt, tổ chức thành công Hội nghị kết nối, quảng bá DL tỉnh An Giang năm 2022 với sự tham dự của 150 DN trong, ngoài tỉnh.

Với cộng đồng DN, việc tăng cường liên kết trở thành yếu tố quan trọng nhằm phát triển các sản phẩm DL, mở thêm các tour, tuyến mới để phục vụ du khách hiệu quả hơn. Bà Nguyễn Thị Anh Tú (Công ty Alden Travel) cho biết: “Việc kết nối phát triển hoạt động DL đã giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách ngoài tỉnh, nhất là du khách nước ngoài. Hiện nay, chúng tôi có những sản phẩm DL mới tại khu vực ngã ba sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, làng bè Châu Đốc, làng Chăm… dựa trên sự kết nối với các đối tác và thu được kết quả rất tốt. Đây là xu hướng tất yếu mà các DN phải tham gia, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách”.

Bà Nguyễn Thị Anh Tú nêu ví dụ, du khách khi tham quan đường sông tại TP. Châu Đốc sẽ được tham quan làng bè và thưởng thức đặc sản sông nước miền Tây ngay trên bè. Sau đó, có thể tham quan làng chăm Châu Phong với những nét độc đáo về văn hóa, kiến trúc của cộng đồng người Chăm, rồi ngắm cảnh vùng biên trên dòng kênh lịch sử Vĩnh Tế. Nếu không có sự liên kết, đây sẽ là những sản phẩm rời rạc. Nhưng khi xâu chuỗi thành tour, tuyến sẽ trở thành sản phẩm được du khách yêu thích.

Tăng cường liên kết

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương trong Cụm hợp tác, liên kết phát triển DL phía Tây khu vực ĐBSCL (Cụm hợp tác) đã tích cực phối hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả khu vực nói chung. Trong đó, An Giang là “mắc xích” quan trọng, đã tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về DL,  phát triển sản phẩm và quảng bá, xúc tiến DL, đào tạo nguồn nhân lực…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn cho biết: “Năm 2022, các địa phương trong cụm hợp tác đã tăng cường liên kết phát triển các sản phẩm DL và thu được kết quả tích cực. Cụ thể, đã đón khoảng 29 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ DL khoảng 28.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, khai thác tốt tiềm năng DL của từng địa phương”.

Theo ông Đào Sĩ Tuấn, An Giang với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác, trong năm 2023, sẽ chủ động phối hợp thực hiện các nội dung đã thỏa thuận trong Chương trình liên kết phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Bên cạnh, sẽ chủ động liên kết hình thành các tuyến DL đặc trưng từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố trong cụm hợp tác và ngược lại. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực DL giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong Cụm hợp tác.

Theo kế hoạch, các địa phương trong cụm hợp tác sẽ tăng cường trao đổi thông tin về: Các sản phẩm DL; nhu cầu thị trường khách DL; xây dựng và phát triển sản phẩm DL thông qua các hội nghị, hội thảo, các cuộc sơ, tổng kết giữa các tỉnh, thành phố trong cụm… Đồng thời, tạo điều kiện để các DN DL gặp gỡ, giao lưu nhằm phát triển các sản phẩm DL mới…

“Trong công tác quảng bá, xúc tiến DL, An Giang và các địa phương trong Cụm hợp tác sẽ chia sẻ các phương thức quảng bá, xây dựng sản phẩm DL trong thời đại 4.0. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tích cực xây dựng các sản phẩm DL đặc thù, phối hợp, liên kết hình thành nên các tuyến DL đặc trưng của cụm hợp tác” - ông Đào Sĩ Tuấn cho hay.

Ngoài ra, ngành DL An Giang tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cụm hợp tác tăng cường phối hợp đào tạo nguồn nhân lực DL. Trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xúc tiến, quảng bá phát triển DL. Tiếp tục liên kết xây dựng các tour, tuyến DL đặc trưng của Cụm hợp tác. Phối hợp tổ chức, đón tiếp các đoàn khảo sát từ các thị trường DL tiềm năng đến khảo sát, trải nghiệm…

“Thời gian tới, ngành DL An Giang sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, liên kết với các địa phương trong cụm hợp tác nhằm từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế và phát huy tiềm năng, để nâng cao chất lượng hoạt động DL của khu vực nói chung và địa phương nói riêng. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa “ngành công nghiệp không khói” của An Giang phát triển như kỳ vọng” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn cho hay.

Năm 2022, ngành DL An Giang tăng cường hoạt động liên kết nhằm tạo thêm sản phẩm mới, từng bước khôi phục vị thế của “ngành công nghiệp không khói”. Tỉnh đã thu hút 7,5 triệu lượt khách, tăng 127% so cùng kỳ và đạt 163% kế hoạch.

THANH TIẾN