Chuyển tư duy kinh tế nông nghiệp
Huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) được biết đến là “vựa lúa” của tỉnh và cũng là nơi có nhiều HTX mạnh hoạt động, với sự tham gia tích cực của DN, nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Trong đó, HTX nông nghiệp Tây Phú là một trong 4 HTX được lựa chọn tham gia thí điểm hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới theo Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025” của UBND tỉnh, với mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Qua đó, giúp HTX phát triển thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành của HTX. Qua triển khai thí điểm, sẽ xây dựng các mô hình HTX trở thành kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, DN tham gia, liên kết với HTX.
Đồng thời, hoàn thiện mô hình HTX thí điểm để làm cơ sở xây dựng phương án nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2026 - 2030) ở nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhiều sản phẩm chất lượng là kết quả từ quá trình liên kết hợp tác giữa hợp tác xã và doanh nghiệp
HTX nông nghiệp Tây Phú được thành lập năm 2015, gồm 31 thành viên, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Mô hình hoạt động của HTX là chủ động liên kết với DN thu mua lúa nguyên liệu theo giá đã ký hợp đồng, trung bình liên kết tiêu thụ khoảng 800ha lúa/năm, giúp nông dân yên tâm đầu ra.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Tây Phú Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết, HTX còn phát triển đa dạng các dịch vụ, như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, bơm tiêu chống úng, sản xuất lúa giống, định hướng dịch vụ cung ứng gạo an toàn...
Ngay từ đầu vụ, HTX cung ứng và hỗ trợ chi phí vật tư nông nghiệp cho các thành viên, gồm: Giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật… đến cuối vụ thu mua lúa mới thanh toán. Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của DN liên kết với HTX sẽ cùng với nông dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
“Tham gia vào HTX, được ký hợp đồng tiêu thụ lúa, không lo bị thương lái ép giá như trước đây. Bên cạnh đó, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc nên lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt” - nông dân Bùi Văn Thanh (thành viên HTX nông nghiệp Tây Phú) phấn khởi.
Quan tâm chất lượng, hiệu quả
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Tây Phú Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết, khi thành viên và nông dân đăng ký mô hình sản xuất lúa an toàn, còn được cộng thêm 100 - 150 đồng/kg lúa so với giá thu mua. “Việc tham gia thí điểm vào đề án của tỉnh sẽ giúp HTX được hưởng các gói hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay, xây dựng thương hiệu... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho thành viên.
Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn thêm những DN uy tín để liên kết, đưa thêm các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu chung của thành viên, giảm chi phí, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, thu hút thêm thành viên tham gia mô hình liên kết gắn với các DN để cùng nhau phát triển bền vững” - ông Hổ nhấn mạnh.
Tinh thần hỗ trợ HTX phát triển bền vững của tỉnh thời gian qua phát huy được hiệu quả. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đều tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang. Kế hoạch thực hiện từng năm nhằm đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm của năm trước đó; xây dựng giải pháp khả thi cho năm tiếp theo.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã phát triển được 220 HTX nông nghiệp, với 13.120 thành viên; nâng chất 2 liên hiệp HTX với 20 HTX thành viên (Liên hiệp HTX Thoại Sơn và Liên hiệp HTX Tri Tôn); có 1.193 THT đang hoạt động, với 16.667 tổ viên.
Trong đó, số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt hơn 71,26%; 36 HTX có ứng dụng công nghệ cao, 28 HTX ứng dụng chuyển đổi số, 6 HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và 14 HTX có sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (trung bình mỗi huyện có ít nhất 2 HTX có ứng dụng công nghệ cao hoặc có sản phẩm tiềm năng OCOP đạt chứng nhận OCOP 3 sao).
Bên cạnh đó, còn có 88 HTX (chiếm 41,2%) và 2 liên hiệp HTX tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với gần 30 DN, tổng diện tích thực hiện năm 2023 đạt 58.682ha (liên kết tiêu thụ lúa 52.109ha, rau màu 6.470ha, cây ăn trái 103ha). Với tình hình giá lúa và thị trường xuất khẩu thuận lợi, diện tích liên kết sản xuất giữa HTX và DN tiếp tục tăng mạnh năm 2024.
Bên cạnh tăng hiệu quả sản xuất, trình độ nhân sự, hoạt động quản lý điều hành HTX cũng ngày càng được nâng cao, cải thiện đáng kể về mặt quản trị, công tác kế toán, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm. Tỉnh hỗ trợ trả lương cho nhân lực trẻ về làm việc tại các HTX và triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học cho đội ngũ quản trị HTX.
Đến nay, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ đào tạo dài hạn cho 13 thành viên, người lao động đang làm việc tại HTX và hỗ trợ HTX trả lương cho 16 nhân sự trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại 16 HTX (theo Nghị quyết 15/2022/NQ-HĐND, ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh). Qua đó, càng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh.
NGÔ CHUẨN