An Giang nâng tầm sản phẩm địa phương từ chương trình OCOP

30/06/2022 - 03:38

 - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đồng thời xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, chương trình OCOP ngày càng tạo được tiếng vang, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở, hộ sản xuất - kinh doanh tham gia. Qua đó, nâng tầm chất lượng sản phẩm nông thôn.

Sản phẩm OCOP khẳng định được uy tín, thương hiệu

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Chi cục Phát triển nông thôn An Giang, đến nay, 100% huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Nhiều địa phương có các hoạt động liên kết và giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng đến các DN trong và ngoài tỉnh, có các mô hình, cách làm hay trong công tác triển khai chương trình OCOP, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tham dự các hội nghị, hội thảo, ngày hội liên quan đến chương trình OCOP nhằm quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, công tác tuyên truyền về chương trình OCOP được chú trọng triển khai với nhiều hình thức phong phú, gắn kết và lồng ghép với hoạt động truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Các hoạt động được thực hiện thường xuyên trên báo, đài; các trang, cổng thông tin điện tử và mạng xã hội ở các cơ quan cấp tỉnh và địa phương; tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép nội dung tuyên truyền, hội nghị triển khai; xây dựng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan.

Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã phối hợp với Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang thường xuyên thực hiện nhiều chuyên đề, chuyên mục, diễn đàn liên quan đến công tác triển khai, hoạt động của các địa phương về chương trình OCOP. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều phóng sự, bài viết về những cách làm hay, những giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, sự quan tâm, đặc biệt là nhận được sự hưởng ứng của người dân, các tổ chức kinh tế liên quan đến chương trình OCOP.

Các đơn vị cấp tỉnh, các địa phương thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về công tác triển khai chương trình OCOP và giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đặc biệt, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh thường xuyên cập nhật và chia sẻ các hoạt động liên quan chương trình OCOP của Trung ương, của tỉnh, các đơn vị có liên quan và địa phương trên “Cổng thông tin điện tử nông thôn mới” (http//: nongthonmoi.angiang.gov.vn) và fanpage Facebook “Nông thôn mới An Giang”; thành lập các nhóm zalo để thông tin đến các đơn vị và chủ thể sản xuất. Qua đó, có gần 1.500 bài viết, phóng sự, tin tức, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền liên quan đến chương trình OCOP tỉnh An Giang được đăng tải và chia sẻ…

Hiệu quả tích cực

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 62 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên ở 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp quốc gia, 12 sản phẩm đạt 4 sao, 48 sản phẩm đạt 3 sao.

Riêng năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tổ chức 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đề xuất UBND tỉnh có quyết định công nhận (Quyết định 768/QĐ-UBND, ngày 13/4/2021 và Quyết định 3019/QĐ-UBND, ngày 20/12/2021) cho 25 sản phẩm của 20 chủ thể sản xuất.

Ngày 30/6/2021, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định 2890/QĐ-BNN-VPĐP về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cấp quốc gia năm 2020, trong đó tỉnh An Giang có 2 sản phẩm là gạo thơm đặc sản Thiên Vương và gạo ngon Tiến Vua Tiên Nữ (thuộc Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP 5 sao - cấp quốc gia”. Kết quả thực hiện năm 2021 đạt và vượt 5 sản phẩm OCOP so kế hoạch. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đang từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, giá trị trên thị trường và được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho 29 nhãn hiệu cá thể, 2 nhãn hiệu tập thể, 1 kiểu dáng công nghiệp, 2 sáng chế và gia hạn 2 nhãn hiệu. Đồng thời, thực hiện cấp tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang đối với các sản phẩm OCOP (cấp 15.000 tem cho hộ kinh doanh ANAS, 5.000 tem cho hộ kinh doanh Hòa Kiều…); hỗ trợ chi phí thay đổi mẫu mã, kiểu dáng của bao bì sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” cho 5 chủ thể (trà mãng cầu Thanh Nam, nấm linh chi Tri Thức, dâu tằm Ngọc Thái, nước khoáng SM, tương hột Thanh Hồ); hỗ trợ hộ kinh doanh Kim Loan (huyện Chợ Mới) đăng ký sử dụng mã số mã vạch; vận động được 5 đơn vị có sản phẩm OCOP đăng ký tham gia Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa (PALMANIA, Thanh Hồ, Thảo An Khang, Hùng Hạnh, Thanh Tùng)…

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh thường xuyên phối hợp hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Qua đó, giúp khẳng định, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương, tăng lợi nhuận cho các chủ thể kinh tế, càng thu hút nhiều chủ thể tham gia.

NGÔ CHUẨN