Ngành ngân hàng đóng góp quan trọng vào thành tựu của tỉnh
Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Trong nỗ lực thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2022, tổng số dư vốn huy động vốn trên 62.829 tỷ đồng (tăng 7,45% so cuối năm 2021); tổng dư nợ cấp tín dụng đến cuối năm 2022 đạt 105.000 tỷ đồng (tăng 14,7%); chất lượng tín dụng tốt, nợ xấu chỉ chiếm 0,95% trên tổng dư nợ (tương đương 966 tỷ đồng). Cơ cấu tín dụng giữa đồng Việt Nam, ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SXKD), lĩnh vực ưu tiên là động lực tăng trưởng kinh tế”.
Ngành ngân hàng tổ chức thực hiện tốt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với giải ngân gói tín dụng hỗ trợ kinh doanh phục hồi và tăng trưởng bằng các chương trình cụ thể gắn với cơ chế chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh và NHNN Việt Nam. Chủ động làm tốt công tác thông tin truyền thông; tư vấn khách hàng; rà soát, phân loại dư nợ khách hàng thuộc nhóm lĩnh vực hỗ trợ đối với các khoản giải ngân, cho vay từ ngày 1/1/2022. Trên cơ sở đó đối chiếu, kiểm tra điều kiện và thông tin cho khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ.
Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh An Giang cho biết, tín dụng chính sách cũng được đẩy mạnh. Với 20 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ 4.119 tỷ đồng, tăng 11,7% so cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ tập trung ở 18 chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng khách hàng, tập trung vào các đối tượng cho vay là hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, mua nhà ở trả chậm; cho vay hộ SXKD vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...
Hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô CEP chi nhánh Long Xuyên đi vào hoạt động đã cho công nhân và người lao động vay, nhằm hạn chế "tín dụng đen" với 3.075 lượt khách hàng, dư nợ cho vay đạt hơn 66 tỷ đồng.
Ông Dũng cho biết, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang đã tổ chức triển khai, thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và của Thống đốc NHNN Việt Nam đến các tổ chức tín dụng về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã giải ngân hỗ trợ lãi suất với dư nợ tín dụng hơn 381,7 tỷ đồng cho 5 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất 626 triệu đồng.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, với cho vay ngắn hạn lãi suất tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực SXKD thông thường từ 6,5-10%/năm; trung, dài hạn từ 8,5-11%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến ngắn hạn 3-4,5%/năm, trung, dài hạn 4,5-6%/năm. Các tổ chức tín dụng tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra thị trường; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp huy động vốn để hỗ trợ vốn DN tiếp cận dễ dàng. Năm 2022, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên 59.000 tỷ đồng (tăng 10,28% so năm 2021). “Kết quả đó có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN và chương trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế của An Giang” - ông Dũng nhấn mạnh.
Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm NHNN chi nhánh tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phi hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn với người dân, DN. Hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng thực hiện tốt vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho DN và người dân phục hồi SXKD; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có hiệu quả. Đổi mới phương thức quản lý phù hợp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 rất nặng nề. Với nhiều giải pháp đồng bộ, sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm của người đứng đầu, ngành ngân hàng nỗ lực đưa chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của hoạt động ngân hàng và nền kinh tế của tỉnh.
HẠNH CHÂU