An Giang nhân rộng các mô hình hiệu quả của công đoàn

09/11/2023 - 06:12

 - Với phương châm hướng về cơ sở và người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn đã nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ ngày càng thiết thực. Đặc biệt, những mô hình đưa vào doanh nghiệp (DN) đang được người sử dụng lao động và NLĐ hưởng ứng, phối hợp triển khai nhịp nhàng, từng bước được nhân rộng.

Mô hình “3 An” (an tâm, an toàn, an ninh) trong các DN có tổ chức công đoàn bắt đầu thực hiện thí điểm năm 2022 tại 6 DN. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 10 DN đã thành lập mô hình “3 An” tại TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, các huyện: Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, khu công nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh sẽ triển khai mô hình ở 15 DN và được đánh giá để nhân rộng theo hướng đổi mới, phù hợp với tình hình. Mô hình “3 An” xuất phát từ yêu cầu thực tế của hoạt động công đoàn hiện nay. Đặc biệt, phù hợp với tinh thần triển khai Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Cả người sử dụng lao động và NLĐ đều được quyền lợi.

Công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Long Xuyên nhận quà hỗ trợ từ chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”

Theo đó, công đoàn cơ sở phối hợp chủ DN thực hiện các nội dung tập trung vào đời sống, việc làm, tư tưởng của đoàn viên góp phần tạo nên môi trường làm việc ổn định, đảm bảo đời sống, an tâm về tư tưởng. Công đoàn còn chủ động phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể chú trọng các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, chất lượng bữa ăn giữa ca...

Mô hình còn phối hợp các cấp, ngành giới thiệu, cung ứng lao động, tạo sự ổn định về việc làm, thu nhập và tư tưởng của NLĐ; đồng hành cùng DN phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Từ đó, thu hút NLĐ tham gia và gắn bó mật thiết với tổ chức công đoàn; tạo mối quan hệ gắn bó, hiệu quả giữa ba bên “Công đoàn - người lao động - doanh nghiệp”.

Là nơi triển khai đầu tiên mô hình “3 An”, tại TP. Long Xuyên có 7 DN lớn đang duy trì hiệu quả. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên Trương Văn Chiêm cho rằng, mô hình đã đem lại sự tin tưởng và phấn khởi cho NLĐ. Chẳng hạn “an tâm” là được đảm bảo các chính sách, chế độ cho NLĐ.

Kèm theo đó là các chế độ chăm sóc khác, thực hiện đối thoại, dân chủ ở DN, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. “An toàn” là tạo điều kiện, môi trường lao động đảm bảo, quan tâm chất lượng bữa ăn. “An ninh” giúp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho NLĐ, từ nơi làm việc cho đến nơi ở. Sau 1 năm, mô hình đem lại hiệu quả rõ nét, điển hình nhất là “tín dụng đen” đã không còn xuất hiện trong DN.

Không chỉ tại nơi làm việc, ngay nơi công nhân ở cũng có những mô hình, hoạt động được công đoàn đưa vào tận nhà trọ. Trong đó, Tổ tự quản nhà trọ công nhân được thành lập cách đây 10 năm, duy trì và tiếp tục nhân rộng ở các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên.

Bên cạnh mô hình này, năm 2023, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện thêm chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”, bước đầu tạo hiệu ứng rất tích cực. Định kỳ mỗi quý tổ chức 1 lần, chương trình được thiết kế nội dung sinh động nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến viên chức, NLĐ và tổ chức công đoàn Việt Nam. Hình thức diễn đạt kết hợp trình chiếu dễ hiểu, lồng ghép gameshow có thưởng giúp công nhân dễ nhớ về Luật Lao động, Luật Công đoàn, kiến thức phòng ngừa “tín dụng đen”…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Phan Thị Diễm, đây là mô hình góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu nhà trọ với sự quan tâm, kết nối của lực lượng công an địa phương, chủ nhà trọ, thành viên tổ tự quản. Hiệu quả của mô hình đang được Công an tỉnh đề xuất tiếp tục nhân rộng ở các khu nhà trọ có đông công nhân, NLĐ của các công ty.

Gắn với chương trình này, công đoàn tiếp tục thành lập “Câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật cho công nhân lao động tổ tự quản nhà trọ công nhân” được thành lập tại 5 tổ tự quản nhà trọ trên địa bàn TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, Châu Phú. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ tại các tổ tự quản nhà trọ có dịp sinh hoạt, giao lưu tìm hiểu các quy định của pháp luật. Từ đó, giúp NLĐ hiểu đúng và chủ động hơn trong việc tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động.

Toàn tỉnh hiện có 20 tổ tự quản nhà trọ công nhân với gần 800 công nhân lao động đang sinh hoạt. Đồng bộ với các mô hình triển khai tại nơi công nhân làm việc trong công ty, các hoạt động ở nhà trọ là những cách làm hay góp phần tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến NLĐ và tổ chức công đoàn. Cùng với đó, nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên và NLĐ, để họ vừa được giao lưu, giải trí sau giờ làm việc, vừa được bổ sung thêm kiến thức bổ ích và cần thiết.

MỸ HẠNH