An Giang: Nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội

09/06/2022 - 06:47

 - Những năm qua, An Giang đã triển khai thực hiện nhiều chính sách và đề ra các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, góp phần ổn định cuộc sống người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số…

Thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, thực hiện tốt chính sách với người có công

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh  An Giang Lê Văn Phước, thời gian qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội về chính sách xã hội có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt, đã huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, sâu rộng của tầng lớp nhân dân; phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, “Tương thân tương ái” của dân tộc.

Song song đó, hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Chính sách người có công được Đảng và nhà nước quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của các chính sách an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản đảm bảo quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, An Giang tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành về hệ thống chính sách xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc diện khó khăn…

Năm 2022, An Giang phấn đấu tổ chức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 20.000 người (số lao động nữ được học nghề nghiệp chiếm ít nhất 41,5%), có 15.000 người tốt nghiệp; 68% lao động qua đào tạo, 27% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Các địa phương củng cố, duy trì 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công đã được công nhận. Phấn đấu 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh trong năm 2022 đạt 4 tỷ đồng.

Phấn đấu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 1-1,2%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3-4%/năm. Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Phấn đấu 75% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt các tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Giảm 20% số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực so với năm 2021; 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; vận động đóng góp Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh 4 tỷ đồng/năm…

Ông Lê Văn Phước cho biết, để đạt các mục tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi người có công; các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản và thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.

Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Đảm bảo cứu trợ kịp thời cho các đối tượng gặp thiên tai, tai nạn rủi ro đột xuất và đảm bảo trợ cấp thường xuyên kịp thời cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội.

Tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh và đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp. Tập trung đổi mới, nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề nghiệp với tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tạo dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em...

THU THẢO