An Giang: Nhiều mô hình thiết thực trong công tác chăm lo cho trẻ em

27/06/2022 - 14:49

 - Với phương châm “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, những năm qua, các cấp hội, đoàn thể và đông đảo tầng lớp nhân dân tỉnh An Giang luôn đồng tình hưởng ứng phong trào chăm lo cho trẻ em bằng các việc làm cụ thể, thiết thực.

 

Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong Tháng hành động vì trẻ em

Tặng quà và biểu dương các trẻ em khuyết tật vượt khó

Tỉnh An Giang hiện có 4.762 trẻ em bị khuyết tật, 753 trẻ em mồ côi (310 trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19), 5.737 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 33.768 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hàng năm, tỉnh duy trì và phát triển "Tháng hành động vì trẻ em" ngày càng thiết thực hơn bằng các công trình phúc lợi cho trẻ em, những hành động cụ thể giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã tổ chức nhiều đoàn để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các dịp lễ, Tết; hỗ trợ lồng bơi di động cho các huyện có nhiều ao, hồ, sông, suối để tổ chức dạy bơi cho trẻ em; tổ chức trại hè cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật... Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp duy trì hoạt động các tổ, nhóm, câu lạc bộ; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tốt các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi tại địa bàn dân cư ở các xã, phường, thị trấn…

Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly, thời gian qua, nhiều mô hình, phong trào thi đua vì trẻ thơ được phát triển trong tỉnh. Tiêu biểu như: Phong trào nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chăm sóc thay thế, phong trào mẹ đỡ đầu, phong trào nuôi dưỡng trẻ em tại các trung tâm, ngôi nhà tình thương, lớp học mẫu giáo, công trình nước sạch dành cho trẻ em, phong trào ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo…

Các phong trào diễn ra rộng khắp, với số tiền vận động thực hiện hàng tỷ đồng đã tạo điều kiện cho nhiều em được bảo vệ, chăm sóc, hòa nhập cộng đồng. Trong đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hàng năm từ 5 tỷ đồng trở lên để hỗ trợ cho trẻ em phẫu thuật tim, điều trị các dạng khuyết tật, khám sàng lọc các bệnh về mắt, chân khèo và các dạng tật khác…

Ngoài ra, bình quân hàng năm, tỉnh An Giang còn vận động xã hội hóa từ cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ cho trên 4.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về các phương tiện học tập, y tế, học nghề miễn phí, hỗ trợ các nhu yếu phẩm, sổ tiết kiệm, máy tính bảng, trợ giúp pháp lý... với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2020 - 2021, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động và hỗ trợ hơn 266 trẻ em, với tổng kinh phí hơn 9,8 tỷ đồng để khám sàng lọc, phẫu thuật tim, phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ khuyết tật và phẫu thuật khác.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân, để công tác trẻ em thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, giải pháp cần thiết là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường huy động các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; từng bước mở rộng chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau, ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đồng thời, cần củng cố và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ, chăm sóc trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Nội dung đáng quan tâm nữa là nâng cao mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội để trẻ em phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

MỸ HẠNH