An Giang: Nhiều thành tích nổi bật trên mặt trận chống buôn lậu

31/01/2022 - 06:00

 - Năm 2021 khép lại, đây là năm thứ 2 cả hệ thống chính trị thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra. Trên mặt trận phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều chuyển biến tích cực, bằng quyết tâm chính trị, lực lượng thực thi nhiệm vụ trên địa bàn đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn, có tổ chức, nhiều đường dây, ổ nhóm được bóc gỡ...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu

Chia sẻ về thành tích của lực lượng phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 (gọi tắt Ban Chỉ đạo 389) tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhất là việc thực hiện tốt Kế hoạch liên ngành 39/KHLN (giữa các lực lượng công an, quân sự, hải quan, quản lý thị trường và Trung đoàn Cảnh sát cơ động), giúp công tác phòng, chống buôn lậu đạt nhiều kết quả.

Năm 2021 đã kiểm tra, bắt giữ trên 1.800 vụ vi phạm, với tổng trị giá hàng hóa thu giữ trên 44,8 tỷ đồng; đặc biệt trong đợt cao điểm ra quân, qua công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp các lực lượng phát hiện, bắt giữ 417 vụ/146 đối tượng (trong đó 140 vụ có chủ), thu giữ, xử lý tang vật gồm thuốc lá điếu nhập lậu 226.486 bao; đường cát 23.800kg cùng các loại hàng hóa khác, trị giá khoảng 8,9 tỷ đồng.

“Nếu tính từ năm 2020 đến nay, qua công tác phối hợp liên ngành, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, bắt giữ trên 4.300 vụ vi phạm, giảm 3,5% so với cùng kỳ 2 năm trước” - ông Thư chia sẻ.

Trong tổng số 4.300 vụ vi phạm mà lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, Công an tỉnh đã đấu tranh, bắt giữ trên 3.000 vụ, tăng 34,5% so 2 năm trước. Trong số đó phải kể đến việc đấu tranh, triệt phá đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) cầm đầu. Đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả do Trần Trí Mãnh cầm đầu. Từ những vụ triệt phá này góp phần bảo đảm sự lành mạnh trong hoạt động kinh tế, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả tích cực, đảm bảo tốt an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Giám đốc Công an tỉnh thăm lực lượng tuyến đầu đang thực thi nhiệm vụ

“Qua theo dõi công tác chống buôn lậu của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong 2 năm qua, tôi rất hài lòng, bởi các thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nói đi đôi với làm. Ai vi phạm, dù có thân nhân nằm trong lực lượng chống buôn lậu vẫn bị bắt, việc làm này cho thấy sự nhất trí cao trong công tác chỉ đạo, điều hành. Qua đây cho thấy, công tác chống buôn lậu ở An Giang không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - ông Trần Văn Nhỏ (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) khen ngợi.

Có được kết quả đó, trước hết phải nói đến sự sâu sát thực tiễn, năng động trong suy nghĩ, táo bạo trong hành động, cách làm; nỗ lực không mệt mỏi của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang và các huyện, thị xã, thành phố; sự vào cuộc nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị (từ tỉnh đến cơ sở).

Phương châm được đưa ra, vừa xây dựng kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng làm nhiệm vụ. Chính cách làm này đã mang đến kết quả rất đáng tự hào, tình hình buôn lậu trên địa bàn được kiểm soát, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều chuyển biến tích cực.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, các lực lượng tham gia chống buôn lậu đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát, trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, tích cực, hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trao đổi những việc cần được rút ra từ công tác phối hợp (giữa các lực lượng) để công tác này thu được nhiều kết quả, đại tá Đinh văn Nơi chia sẻ, phải luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công chức thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật công tác. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các trường hợp cán bộ, chiến sĩ, công chức  “tiếp tay”, “bao che”,  “bảo kê” cho buôn lậu. Chú trọng điều tra mở rộng các vụ án, vụ việc đang thụ lý, đặc biệt là củng cố hồ sơ, chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, có nhiều mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn nhằm xử lý đúng người, đúng tội…

Lực lượng biên phòng phát hiện vụ vận chuyển vàng trái phép qua biên giới

Tiếp tục nắm chắc tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, vận dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, nhất là trong đấu tranh chuyên án. Phải xác định công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới là trận tuyến lâu dài, ngoài sử dụng con người, biện pháp nghiệp vụ cần phải vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ để mang lại hiệu quả cao.

Đồng thời, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người dân khu vực biên giới, góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.  Tập trung giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân khu vực biên giới bền vững và ổn định… Nâng cao năng lực nhận diện thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là các đường dây buôn lậu xuyên biên giới, nhất là các hành vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng của các đối tượng vận chuyển ma túy tổng hợp và các loại ma túy khác.

“Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương luôn quán triệt quan điểm không có “vùng cấm”, “không có trường hợp ngoại lệ”. Nếu lực lượng làm công tác này có biểu hiện “tiếp tay” cho buôn lậu sẽ bị xử lý ngay, chính điều đó làm cho công tác chống buôn lậu đạt nhiều kết quả, buôn lậu trên địa bàn được hạn chế đến mức thấp nhất…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN