An Giang: Nhìn lại 2 năm phục hồi, phát triển

19/02/2024 - 05:50

 - Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) mang nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, khả thi, kịp thời. Một số chính sách mới, chưa từng có tiền lệ, kịp thời hỗ trợ cho phục hồi và phát triển KTXH sau đại dịch COVID-19.

“Đòn bẩy” hữu hiệu

Từ Nghị quyết 43/2022/QH15, UBND tỉnh An Giang cụ thể hóa bằng Quyết định 23/2022/QĐ-UBND, ngày 15/6/2022 (ban hành bảng giá xây dựng mới nhà ở; công trình và vật kiến trúc thông dụng trên địa bàn tỉnh) để cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến nay. Đồng thời, trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết về hỗ trợ xã hội và trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nhìn chung, sau gần 2 năm triển khai, tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt nhiệm vụ được giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra.

Theo UBND tỉnh An Giang, đến nay, đa số chính sách được triển khai đến doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và người lao động, KTXH tỉnh phục hồi, phát triển với nhiều triển vọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 7,34%, đạt kế hoạch tỉnh đề ra (7 - 7,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,54%; thuế trừ trợ cấp tăng 5,53%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,55 triệu đồng/năm (tương đương 2.496 USD).

Nghị quyết 43/2022/QH15 bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh sau dịch COVID-19, được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế. Đặc biệt, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ (chịu mức thuế suất 10%) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu... đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy sản xuất - kinh doanh (SXKD) và tạo thêm việc làm cho người lao động; góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD của DN, tổ chức kinh tế và người dân trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực đến sự gia tăng nguồn thu từ thuế, phí (tổng thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức) cho ngân sách nhà nước của tỉnh. Năm 2022, tỉnh thu được 4.312 tỷ đồng, đạt 115% so dự toán được giao, bằng 109% so cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, ước thu 4.485 tỷ đồng, đạt 115% so dự toán được giao và bằng 104% so cùng kỳ năm 2022.

Các chính sách phục hồi, tăng trưởng kinh tế được triển khai thông qua tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang thực hiện đến cuối năm 2023 đạt 4.980 tỷ đồng, tăng 850 tỷ đồng so cuối năm 2022 (tăng 20,5%). Doanh số cho vay lũy kế từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2023 đạt 2.654 tỷ đồng, với 69.749 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 15/12/2023 đạt 4.910 tỷ đồng (tăng 18,9%); tăng 1.222 tỷ đồng so đầu năm 2021 (tăng 33,2%), với 152.044 khách hàng còn dư nợ.

Vẫn cần “tiếp sức” dài hơi

Cuối năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành khảo sát, giám sát trực tiếp tại 6 đơn vị (Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang; Cục Thuế tỉnh; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư); giám sát qua văn bản báo cáo của 20 sở, ngành, địa phương liên quan đến thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15.

“Sau quá trình giám sát, khảo sát, chúng tôi nhận thấy, năm 2023, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động SXKD, đời sống người dân quay trở về bình thường. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi bật là tình hình SXKD của DN đang khó khăn; nhu cầu thị trường hàng hóa tăng chậm; giá cả một số mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào tăng; giá vật liệu xây dựng thiếu ổn định, gây khó khăn cho triển khai nhiều công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công. Một số loại hàng hóa, dịch vụ có giá trị hoặc mệnh giá nhỏ, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% khó thực hiện, điển hình là trả tiền thừa cho khách mua vé sử dụng dịch vụ phà” - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin.

An Giang là địa phương có nguồn thu ngân sách từ kinh tế địa bàn rất thấp, hàng năm nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương trên 50% nhu cầu chi ngân sách địa phương. Vì vậy, ngân sách địa phương gặp nhiều áp lực trong việc cân đối, huy động nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19, rất cần được Trung ương “tiếp sức”. Từ năm 2020 đến năm 2023, UBND tỉnh đã có nhiều báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ 745 tỷ đồng.

Một số giải pháp được các ngành, địa phương đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan, gồm: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển SXKD.

Triển khai tốt, kịp thời chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ, đối tượng chuyển đổi nghề, phụ nữ mất việc làm, lao động các xã đặc biệt khó khăn... có điều kiện tham gia học nghề. Tăng cường chuyển đổi số, đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung, cầu lao động…

“Sau giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung vốn cho vay chương trình ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015; Nghị định 49/2021/NĐ-CP, ngày 1/4/2021 của Chính phủ) cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục cho vay trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đề xuất nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 25 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí xây dựng thực tế. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Đất đai đảm bảo thống nhất, phù hợp với định hướng phát triển” - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chia sẻ thêm. 

GIA KHÁNH