An Giang nỗ lực vượt khó những tháng cuối năm 2021

28/07/2021 - 07:06

 - Diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp hơn dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh An Giang. Cùng với ưu tiên hàng đầu là khống chế và kiểm soát dịch bệnh, làm sạch F0 (ca nhiễm COVID-19) ở từng địa bàn, việc bảo vệ sản xuất ở những nơi đủ điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất – kinh doanh, người lao động vượt qua khó khăn cũng quan trọng không kém.

Niềm tin doanh nghiệp

Do không bất ngờ, bị động như đầu năm 2020 (thời điểm dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát), UBND tỉnh An Giang đã chủ động xây dựng kịch bản phát triển KTXH năm 2021 theo nhiều cấp độ của dịch bệnh. Nếu như 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) chỉ tăng 2,12% thì 6 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng 5,79% so cùng kỳ. Cùng với tốc độ tăng trưởng khá, niềm tin của DN cũng được củng cố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 367 DN đăng ký mới và 245 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 4.679 tỷ đồng. So cùng kỳ 2020, số DN đăng ký tuy giảm 7,32% (giảm 29 DN) nhưng số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 20 đơn vị (tăng 8,88%), đặc biệt số vốn đăng ký tăng 1.778 tỷ đồng (tăng 61,28%). Lũy kế đến nay, số DN đăng ký 11.316 DN và 5.888 đơn vị trực thuộc, với tổng vốn đăng ký 72.488 tỷ đồng. Trong đó, còn 7.057 DN và 3.508 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 70.487 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang “bào mòn” DN khi 6 tháng qua, số DN hoàn tất thủ tục giải thể 63 DN, tăng 8 DN (tăng 14,54% so cùng kỳ 2020). Trong khi đó, số đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động 114 đơn vị, tăng 32 đơn vị (tăng 39,02%). Đồng thời, có 206 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 39 DN (tăng 23,35%); số đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động 39 đơn vị, giảm 1 đơn vị so cùng kỳ.

Dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Ảnh: TRUNG HIẾU

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư khi 6 tháng đầu năm 2021, có 14 dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh, tổng vốn đăng ký 628 tỷ đồng, giảm 13 dự án (tương đương 51,85%) so cùng kỳ 2020; vốn đăng ký đầu tư chỉ bằng 10,31% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 6.088 tỷ đồng). Trong đó, đầu tư trong nước đã thu hút được 13 dự án đăng ký đầu tư mới, tổng vốn đăng ký khoảng 375 tỷ đồng, giảm 12 dự án và giảm 5.670 tỷ đồng về vốn đăng ký so cùng kỳ 2020; đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hút mới 1 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 253 tỷ đồng, số dự án bằng cùng kỳ trong khi tổng vốn đăng ký tăng 210 tỷ đồng.

Điều hành linh hoạt

Những tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 vẫn tác động nhưng không quá nghiêm trọng. Từ ngày 27-4, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 mới diễn ra với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc, trọng điểm là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Từ tháng 6-2021, dịch bệnh bắt đầu tác động mạnh đến TP. Hồ Chí Minh, lây lan một số tỉnh lân cận. Tại An Giang, từ sau ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ghi nhận tại huyện An Phú ngày 19-6 (trường hợp có nguồn lây xuất phát từ ca bệnh nhập cảnh trái phép), dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở những địa phương khác và diễn biến phức tạp.

Kiểm soát chặt chẽ địa bàn giáp ranh An Giang. Ảnh: N.C

Bộ Y tế đánh giá, dịch bệnh COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam vẫn chưa đạt đỉnh, khả năng đỉnh dịch sẽ xuất hiện trong tháng 8 rồi mới xuống dần. Dù chiến lược tiêm vaccine được triển khai quyết liệt nhưng với tình hình nguồn cung hạn chế, đến ngày 26-7, có gần 4,7 triệu liều vaccine được tiêm, chủ yếu là tiêm 1 mũi (4,3 triệu liều), tiêm mũi 2 chỉ gần 400.000 liều. Theo mục tiêu của Chính phủ và kỳ vọng của tỉnh, đến cuối năm 2021 hoặc quý I-2022, khả năng mới đạt miễn dịch cộng đồng (70% dân số được tiêm vaccine).

Chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai quyết liệt. Ảnh: TRUNG HIẾU

Như vậy, những tháng cuối năm 2021, UBND tỉnh phải điều hành phát triển KTXH trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, khó lường. 6 tháng đầu năm 2021, dù GRDP đạt tăng trưởng khá (tăng 5,79%) nhưng vẫn chưa đạt kịch bản tăng trưởng đề ra (kịch bản tăng 6,81%). Trong khi đó, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ; tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, số lượng DN giải thể, dừng hoạt động tăng; một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn khâu tiêu thụ và giá cả...

Phun khử khuẩn phương tiện vào An Giang. Ảnh: N.C

Những khó khăn này cộng với dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp đặt ra thách thức cho mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2021 (GRDP cả năm tăng 6-6,5%). Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trọng tâm ưu tiên là toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức “ý thức + 6K + vaccine + công nghệ + chế tài”. Những biện pháp mạnh mà UBND tỉnh chỉ đạo gần đây nhằm tập trung khoanh vùng, kiểm soát, dập các ổ dịch trong cộng đồng, “làm sạch” địa bàn (kiểm soát và cách ly, điều trị hết F0). Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, chủ sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tạo cơ chế thống nhất trong lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng phục vụ xuất khẩu... nhằm sớm ổn định tình hình, tạo cơ sở để khôi phục sản xuất - kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.

NGÔ CHUẨN