An Giang nỗ lực xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn

09/12/2021 - 05:39

 - Dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của An Giang ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 20% so năm 2020, đạt 116% kế hoạch. Trên cơ sở dự báo thị trường, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 có thể đạt 1,15 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh.

Cố gắng giữ thị trường

Theo Sở Công thương An Giang, trong kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,12 tỷ USD năm 2021, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 170 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của khối doanh nghiệp (DN) đạt 950 triệu USD.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so năm 2020 nhưng có thể thấy, những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh (thủy sản, rau, quả, gạo) vẫn gặp khó khi chỉ ước đạt 554 triệu USD, bằng 97% cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng thủy sản (chủ yếu cá tra) sụt giảm mạnh khi sản lượng xuất khẩu ước đạt 106.000 tấn, tương đương 258 triệu USD, chỉ bằng 92% về kim ngạch so năm 2020.

Nguyên nhân, do hoạt động sản xuất của DN thủy sản chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, bị đình trệ do giãn cách xã hội từ giữa tháng 7-2021. Đa phần các nhà máy chế biến giảm công suất, thiếu nguyên liệu sản xuất, chuỗi cung ứng gián đoạn, đi lại, vận chuyển không thông suốt. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục gia tăng nhiều hình thức kiểm soát, gây khó khăn cho xuất khẩu.

Đối với mặt hàng gạo, ước xuất khẩu đạt 516.000 tấn, tương đương 279 triệu USD, tăng 3% về lượng và kim ngạch. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển. Với mặt hàng rau quả đông lạnh, nhờ nỗ lực vượt khó của DN, kim ngạch xuất khẩu đạt 9.800 tấn, tương đương 17 triệu USD, tăng khoảng 2% về lượng và kim ngạch so cùng kỳ 2020.

Theo đánh giá của Sở Công thương An Giang, tuy kim ngạch xuất các mặt hàng nông, thủy sản chưa đạt như kỳ vọng, nhưng tín hiệu tích cực là năm 2021, các mặt hàng này vẫn giữ vững được thị trường như năm 2020. Trong đó, mặt hàng gạo của An Giang xuất khẩu sang 38 nước, mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua 73 nước và mặt hàng rau, quả xuất khẩu sang 23 nước.

An Giang nỗ lực xuất khẩu hàng hóa vượt chỉ tiêu năm 2021. Ảnh: P.V

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thanh Tâm, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh tăng bất chấp dịch bệnh cho thấy, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn An Giang có tiềm năng rất lớn. Trong đó, dư địa thị trường Campuchia cho các sản phẩm thủy sản (ngoài cá tra) và rau, củ, quả tươi vẫn còn có thể đáp ứng tốt hơn nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Khắc phục khó khăn

Dự báo năm 2022, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa; cước vận chuyển hàng xuất khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của An Giang. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường vẫn còn khá lớn.

“Thị trường các nước Tây Á là thị trường mở, tiêu dùng nội địa phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời là thị trường tái xuất lớn thứ 3 thế giới. Thị trường Tây Á nhập khẩu tất cả mặt hàng nông, thủy sản, sau đó tái xuất khẩu sang các nước lân cận và Châu Phi. Các mặt hàng nông, thủy sản của An Giang có sức hấp dẫn và nhiều triển vọng vào thị trường này” - Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Trần Thanh Tâm nhận định.

Ông Tâm cho biết, về hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới, An Giang sẽ tập trung phát triển thị trường Campuchia cho các mặt hàng thủy sản và rau, củ, quả tươi; thị trường các nước Tây Á (Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel...) cho các mặt hàng gạo và thủy sản đông lạnh”.

Sau những khó khăn khi phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động giảm công suất, hoạt động cầm chừng theo phương án “3 tại chỗ”, sản xuất của DN đang dần hồi phục sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Đến nay, 100% DN đã hoạt động sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới, đạt công suất từ 70-80%; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tăng trở lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. An Giang chủ động, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thực hiện kết nối thương mại; hỗ trợ xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng mới. Đồng thời, tập trung phát triển các thị trường có sẵn như Trung Quốc, các nước châu Á... Tỉnh sẽ phối hợp với bộ, ngành tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường Campuchia và Trung Quốc để kết nối tiêu thụ hàng nông sản sang 2 thị trường tiềm năng này; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia, khu vực đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam…

Theo ông Lê Văn Phước, An Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh, đảm bảo lưu thông và an toàn phòng dịch COVID-19. Đồng thời, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi kịp thời diễn biến giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ các địa phương biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Sở Công thương dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 1,15 tỷ USD (gồm khối DN và cá thể), tăng 3% so với năm 2021. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu ước đạt 280 triệu USD, tương đương 2021; mặt hàng thủy sản đạt 372 triệu USD, tăng khoảng 4%; mặt hàng rau, quả đạt 62 triệu USD, tăng gần 7% so cùng kỳ 2021

 

 

NGÔ CHUẨN