Cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 9km, theo hướng Tỉnh lộ 943, đến lộ tẻ Hùng Cường (xã Vĩnh Trạch), rẽ trái, chạy tiếp khoảng 3km, sau đó hỏi người dân địa phương là sẽ đến được vườn dâu 9 Hoàng. Vườn có diện tích 20.000m2, kết hợp trồng khoảng 120 gốc dâu da cùng một số loại cây lâu năm khác.
Hiện, dâu da vào mùa chín rộ, lượng khách đến tham quan rất đông, kể cả ngày thường hay cuối tuần. Chủ vườn trồng thêm sen dưới các rãnh nước, tạo điểm nhấn cho vườn trái cây; dựng nhiều căn chòi nhỏ dưới tán cây cao, để mọi người dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống.
Ông Hoàng cho biết: “Ngay khi quyết định lên vườn, tôi nghĩ đến việc phát triển DL sinh thái. Cây dâu da được trồng từ năm 2013, đến năm 2018 thì thu hoạch vụ đầu tiên. Tận dụng diện tích vườn rộng lớn cùng không gian thoáng đãng, mát mẻ, gia đình tôi quyết định mở cửa đón mọi người vào tham quan lần đầu tiên năm 2021. Dâu da cho trái kéo dài khoảng 2 tháng, nên việc mở cửa tham quan rất lý tưởng. Giá vé 30.000 đồng/người, trẻ em được miễn phí. Khách thoải mái tham quan, hái trái ăn tại vườn, chỉ tính tiền khi hái trái mang về. Mỗi ngày, vườn dâu đón khoảng 100 lượt người vào tham quan. Ngày lễ, cuối tuần, lượt khách tăng gấp đôi, tạo ra nguồn thu cho gia đình”.
Vườn dâu da 9 Hoàng thu hút khách tham quan
“DL sinh thái miệt vườn tại đây được đầu tư rất bài bản, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho những ai thích mô hình này. Nếu đi cùng bạn bè, người thân, muốn dùng bữa tại vườn thì có thể liên hệ trước, để chủ vườn chuẩn bị món ăn. Tôi rất thích cùng gia đình, bạn bè đến đây dịp cuối tuần!” - chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (34 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.
Theo chủ vườn, dâu da không mất nhiều công chăm sóc, lại cho năng suất cao. Cây không kén đất trồng, thích nghi với mọi điều kiện thời tiết. Dâu da thuộc loại cây lâu năm, ưa ánh sáng. Khi trồng, cần tưới nhiều nước, nhất là vào mùa hè khô nóng. Thời điểm trái gần chín, cần cung cấp đầy đủ nước cho cây. Dâu da ra trái ở phần thân mọc thành từng chùm, trông rất thích mắt. Vườn 9 Hoàng hiện có 2 loại dâu da: Dâu da xanh và dâu da vàng.
Dù chỉ mở cửa đón khách khoảng 2 tháng, nhưng mỗi mùa mang đến lợi nhuận cho gia đình trên 100 triệu đồng. Điển hình như 1 tháng qua, riêng tiền vé tham quan vườn dâu, gia đình ông thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng. Chưa kể, khách mua dâu về thưởng thức, nhà vườn bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng, khi cây ra trái, mưa càng nhiều thì trái càng ngọt. Dù giá cây giống khá cao (khoảng 100.000 đồng/cây), nhưng ông Hoàng vẫn chọn trồng vì cây thích nghi trên mọi loại đất. Bên cạnh đó, cây dâu da càng nhiều tuổi, cao lớn, càng cho nhiều trái và có vị ngọt hơn, rất thích hợp làm DL sinh thái. Ngoài 130 gốc dâu da đang cho trái, ông Hoàng ươm giống để trồng thêm.
Nhận thấy việc đóng cửa vườn suốt 10 tháng mất nhiều thu nhập, ông Hoàng trồng thêm giống cây ăn trái khác xen canh vườn dâu da, với mục đích, mùa nào cũng có trái chín, phục vụ khách tham quan. “Tôi đã trồng thêm 150 gốc chôm chôm, 700 gốc mít Thái, 100 gốc na Thái, 200 gốc bòn bon… Những cây trồng này đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Dự kiến, 1 - 2 năm nữa, có thể đón khách tham quan trải nghiệm” - ông Hoàng chia sẻ thêm.
“Từ lúc cây dâu ra bông, tôi chỉ xịt thuốc 1 lần để cây đậu trái và phòng trừ sâu, bệnh gây hại. Đến lúc trái dâu chín, có thể mở cửa đón khách, tôi chỉ bón thêm phân hữu cơ cho cây, không phun xịt bất cứ thuốc hóa học nào, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách tham quan” - ông Hoàng bộc bạch. |
PHƯƠNG LAN