An Giang phát triển du lịch nông thôn

10/06/2024 - 06:33

 - Tiềm năng phát triển loại hình du lịch (DL) nông nghiệp, nông thôn ở nước ta rất phong phú và đa dạng, trải dài từ Bắc vào Nam. Vì vậy, phát triển DL nông nghiệp, nông thôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược, chương trình, đề án phát triển DL Việt Nam.

Khai thác tiềm năng, hành động để phát triển

Thời gian vừa qua, DL nông nghiệp, nông thôn có sự phát triển nhất định, mang lại sắc thái, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình DL nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Đồng bào dân tộc thiểu số trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm DL.

Cuộc sống ở nhiều cộng đồng làng quê trở nên khấm khá, văn minh hơn nhờ làm DL. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở thành đặc sản địa phương và tăng thêm giá trị nhờ có DL…

An Giang với thế mạnh là vùng đất màu mỡ, tốt tươi, cùng cảnh quan hấp dẫn nên loại hình DL cộng đồng ngày càng khẳng định được vị thế. Đến An Giang, ngoài những khu, điểm DL tâm linh nổi tiếng, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những vườn trái cây đa dạng, xanh tốt và được tận tay hái quả, thưởng thức hay chứng kiến hàng ngàn con cò trắng bay lượn trên bầu trời, cũng như những hệ sinh thái độc đáo tại rừng tràm Trà Sư tạo nét độc đáo riêng. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm thú vị, khó quên đối với khách DL khi đến tham quan DL sinh thái, DL nông thôn ở An Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, thực hiện chương trình phát triển DL nông thôn, thời gian qua, An Giang tổ chức 18 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng nghề về DL cho 640 học viên là quản lý, nhân viên tại các doanh nghiệp (DN) DL, các hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ khách DL, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ du khách.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu DL phục vụ công tác truyền thông, quảng bá DL An Giang gồm bộ nhận diện và chiến lược truyền thông thương hiệu DL An Giang đến năm 2025, định hướng 2030. Qua đó, nhằm định vị hình ảnh DL của tỉnh trên phạm vi toàn quốc và hình thành hệ thống nhận diện DL, góp phần đưa hình ảnh DL An Giang xuất hiện rộng rãi trên toàn quốc một cách chuyên nghiệp, ấn tượng, hấp dẫn khách DL và các nhà đầu tư.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, thời gian qua, ngành DL tỉnh triển khai các hoạt động trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; Chương trình hợp tác, liên kết phát triển DL cụm phía Tây ĐBSCL; Chương trình ký kết hợp tác văn hóa DL với tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, thu thập thông tin tài nguyên DL, trong đó có DL nông thôn để làm cơ sở đánh giá, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước lĩnh vực DL. Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền Chương trình phát triển DL nông thôn thông qua các hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các hội nghị phổ biến pháp luật lĩnh vực VH-TT&DL.

Gắn với xây dựng nông thôn mới

Để khai thác những tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn cho phát triển DL trong thời gian tới, Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ VH-TT&DL triển khai hiệu quả Chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 922/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển các sản phẩm DL liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ DL gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa DL tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm DL nông nghiệp, nông thôn thông qua các DN lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm DL lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách DL quốc tế.

Để phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM, từ nay đến năm 2025, An Giang hướng đến phát triển sản phẩm, phục vụ DL khu vực nông thôn, chú trọng đến sản phẩm DL có chất lượng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao dựa vào lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của một số địa bàn có tiềm năng phát triển DL nông thôn.

Cùng với đó, phát huy giá trị các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng gắn với hoạt động DL tại các địa phương; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao, ẩm thực, trang phục truyền thống tiêu biểu phục vụ DL và các làng nghề truyền thống, phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm, đặc sản truyền thống để phục vụ khách DL thông qua các trải nghiệm thực tế.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng mô hình phát triển DL khu vực nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Hỗ trợ tư vấn thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm DL vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái, tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường...

Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông tại các tuyến đường kết nối điểm tham quan, DL đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho khách DL và hài hòa với không gian, cảnh quan nông thôn; tăng cường công tác mời gọi đầu tư hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các địa điểm tham quan, DL. Thực hiện chuẩn hóa khu, điểm DL, cơ sở lưu trú DL, cơ sở đạt chuẩn, bố trí và xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm quà tặng, lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách DL.

An Giang phát triển DL khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn; đặc trưng văn hóa địa phương. Đồng thời, xây dựng sản phẩm DL đa dạng, phong phú, chất lượng và thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa của địa phương, có thương hiệu và sức cạnh tranh, hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Qua đó, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng NTM bền vững

 

MINH THƯ