An Giang phát triển logistics

09/11/2022 - 03:41

 - Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian qua, An Giang triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển logistics. Nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng và nâng cấp nên việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, thời gian vận chuyển được rút ngắn, chất lượng dịch vụ cải thiện rõ rệt.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh hoàn thành 3 dự án cơ sở hạ tầng giao thông, dài 56km đường giao thông và các cầu trên tuyến. Nâng cấp đường phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp đê ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên đoạn từ Châu Đốc - Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (Tỉnh lộ 955A); cầu Tân An - Tỉnh lộ 952 (TX. Tân Châu); nâng cấp mở rộng đường tỉnh thuộc tuyến đường tuần tra biên giới kết hợp cứu hộ, cứu nạn và bao đê ngăn lũ (huyện An Phú)... tạo điều kiện thuận lợi liên kết giữa các vùng thuộc tỉnh An Giang, Kiên Giang và Vương Quốc Campuchia. Đồng thời, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án thuộc lĩnh vực logistics (vốn của doanh nghiệp).

Tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới và khu kinh tế cửa khẩu cho các dự án: Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Khánh Bình gần 24,3 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật Khu thương mại-dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 1) 1,3 tỷ đồng; mở Cửa khẩu phụ Vĩnh Gia (xã Vĩnh Gia) 23,6 tỷ đồng; Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương 21,3 tỷ đồng; hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu thương mại-dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 1) 10 tỷ đồng; nhà nghỉ các đơn vị quản lý Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên gần 3,7 tỷ đồng.

Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới

Toàn tỉnh có 203 chợ, 7 siêu thị, 86 cửa hàng tiện lợi và 27 doanh nghiệp (DN) được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ (vận chuyển người và hàng hóa); 45 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, kho hàng hóa. Có 256 điểm phục vụ bưu chính tại 156/156 xã, phường, thị trấn; 7 DN kinh doanh kho ngoại quan và bến bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu ở biên giới và hơn 500 đơn vị đăng ký hoạt động kinh doanh kho bãi lưu giữ hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Kết cấu hạ tầng trung tâm logistics đã hình thành tại Cảng biển Mỹ Thới (diện tích hoạt động 39,5ha, công suất thiết kế 4 - 4,75 triệu tấn/năm) và khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án thuộc khu trung tâm cửa khẩu). Bãi đậu xe và dịch vụ giao thông quy mô 3,3ha phục vụ dịch vụ logistic; Cảng thủy nội địa Bình Long có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn, hệ thống kho khoảng 6.000m2, có sức chứa 15.000 tấn hàng hóa.

Tạo thuận lợi hoạt động xuất, nhập khẩu

An Giang còn có 4 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận, gồm: Khu vực Cửa khẩu Khánh Bình (điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở khu vực biên giới của Công ty TNHH TMDV XNK Dương Lan; điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở khu vực biên giới của Công ty TNHH Thương mại Hải Thịnh Phát; điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu của Công ty TNHH Tân Thành Lợi. Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên có điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở khu vực biên giới của Công ty TNHH Đầu tư Đông Dương.

Tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chính phủ có chủ trương “Nâng cấp Cửa khẩu chính Khánh Bình lên Cửa khẩu quốc tế đường bộ và mở lối thông quan đường sông; mở lối thông quan đường bộ thuộc Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương”. Chính phủ đã đồng ý nâng cấp lên Cửa khẩu quốc tế đường bộ thuộc Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và chờ Quyết định của Chính phủ về việc “Nâng cấp Cửa khẩu chính Khánh Bình lên Cửa khẩu quốc tế đường bộ và mở lối thông quan đường sông”.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ kết nối, đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ của các thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng mục tiêu 100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ đầy đủ. Triển khai mở rộng thanh toán trực tuyến đa dịch vụ, đa sản phẩm thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, DN trong giải quyết TTHC mức độ 4. Đồng thời, thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thông quan cho DN xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Mời gọi đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Nâng cấp Cửa khẩu chính Khánh Bình lên Cửa khẩu quốc tế đường bộ và mở lối thông quan đường sông, nhằm đảm bảo nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của các thương nhân, cư dân biên giới 2 nước.

Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và các địa phương trong cả nước. Thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển logistics của Chính phủ, các bộ, ngành; giảm chi phí logistics qua xử lý các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng.

Phát triển hoạt động logistics theo chuỗi dịch vụ; khuyến khích khu công nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khép kín. Đầu tư, phát triển hạ tầng logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại. Qua đó, tạo ra các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

HẠNH CHÂU