Nâng cao năng lực về thương mại điện tử cho cán bộ, doanh nghiệp
Tiềm năng phát triển
An Giang là tỉnh được đánh giá có tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử so với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Trong đó, hạ tầng viễn thông đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp; nguồn nhân lực để phát triển thương mại điện tử ngày càng được nâng cao; công tác bảo mật, an toàn thông tin khách hàng và an ninh mạng được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 144 điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng, 4.377 điểm thu, phát sóng di động; 100% xã, phường, thị trấn phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, Internet cáp quang tốc độ cao, internet di động băng rộng; 65% người sử dụng thuê bao Internet, 66,41% người dân sử dụng điện thoại thông minh...
Ngoài ra, hệ thống thông tin được đầu tư và trang bị hệ thống tường lửa (Firewall) cứng để phát hiện và chống xâm nhập (IPS), có phân vùng đệm an toàn mạng (DMZ), chống thư rác (Spam), phần mềm hay mã độc gây hại cho máy tính. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thử nghiệm hệ thống “Giám sát an ninh mạng, giám sát an toàn thông tin dùng chung cho các ứng dụng”…
Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ phù hợp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động thương mại điện tử. Hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại.
Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho thanh toán điện tử được các tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện ổn định, an toàn, với nhiều hình thức nhằm hỗ trợ tốt nhất trong hoạt động thanh toán của người dân, DN. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 61 đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán, trang bị 243 máy rút tiền tự động... 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.
Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nông sản... trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay từ khâu đầu vào, đầu ra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Các DN An Giang ngoài việc cải tiến về chất lượng sản phẩm, cũng có những thay đổi mạnh mẽ cả về thiết kế bao bì, mẫu mã theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó còn có các cam kết tiêu chuẩn chất lượng được thể hiện rõ ràng trên sản phẩm. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như xây dựng hình ảnh của DN. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ logistics và chuyển phát, giao nhận đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện đã đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân.
Phấn đấu vươn lên
Trên cơ sở kết quả đạt được, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh trong và ngoài nước thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Phấn đấu tăng bậc xếp hạng chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh đến năm 2025 nằm trong nhóm 25-30 của cả nước, đứng hạng thứ 4 khu vực ĐBSCL…
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong thương mại điện tử…
UBND tỉnh còn yêu cầu ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, như: chuyển đổi số của DN; ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm công, đấu thầu, gắn với cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử. Tích cực hỗ trợ các DN giới thiệu, quảng bá hình ảnh của mình trên hệ thống phân phối hàng trực tuyến. Khuyến khích đào tạo các ngành nghề chuyên về thương mại điện tử. Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN…
ĐỨC TOÀN